Việc ghi danh lễ hội đua ngựa Bắc Hà vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xem là cơ hội lớn để tỉnh Lào Cai thúc đẩy bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc nơi vùng cao Tây Bắc.
Các nài ngựa thi đấu trong ngày khai mạc giải đua ngựa Fansipan với chủ đề Vó ngựa trên mây tháng 6/2019. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Không mang tính chất thương mại, không phải giải đua chuyên nghiệp, Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà là cuộc đua của những người nông dân và ngựa đua cũng chính là những con ngựa thồ.
Ngày 31/5 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ hội đua ngựa Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem là cơ hội lớn để tỉnh Lào Cai bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc nơi vùng cao Tây Bắc.
Với những người đã từng được sinh ra và lớn lên ở vùng đất "cao nguyên trắng" Bắc Hà, Lào Cai, dường như âm thanh “lọc cọc… lộp cộp” thường nhật của xe ngựa gõ nhịp trên những nẻo đường đồi quanh co, nhất là vào những đêm về sáng, dưới ánh nắng ban trưa hay ráng chiều dịu mát, đã ăn sâu vào tiềm thức.
Tiếng vó ngựa thân quen ấy cũng đặc biệt nhắc nhớ những người con Bắc Hà xa quê lâu năm ấn tượng về giải đua ngựa truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm ở địa phương này.
Trong những ngày Hè ngập nắng khi các sườn đồi của vùng đất cao nguyên Bắc Hà trĩu trịt những chùm mận căng đỏ, cũng là lúc những chú ngựa thồ, những chàng "kỵ sỹ chân đất" tạm gác công việc nương rẫy thường nhật, háo hức chuẩn bị tham gia giải đua ngựa truyền thống - một giải đấu thể thao mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của các tộc người vùng cao Lào Cai.
Ở các huyện vùng cao Lào Cai, con ngựa vừa là người bạn thân thiết vừa là phương tiện vận chuyển quan trọng hằng ngày. Mỗi ngày, vào những buổi sáng chưa tan sương, dù trời còn giá lạnh, ngựa vẫn cặm cụi giúp gia đình người Mông chở nông cụ, phân bón, hạt giống lên nương.
Chiều tối, khi mặt trời lấp ló rặng núi phía Tây cũng là lúc ngựa nhẫn nại chở các sản phẩm thu hoạch từ nương rẫy về nhà. Đường núi vùng cao đèo dốc quanh co, đá núi gập ghềnh, chỉ có con ngựa - người bạn thân quen, mới có khả năng giúp người Mông gieo trồng bắp, hạt lúa trên đỉnh núi, sườn non chênh vênh.
Ngựa là người bạn trong đời thường nhưng cũng là con vật thiêng trong đời sống tín ngưỡng người Mông. Ngựa là vật duy nhất hóa thân thành chiếc cáng đưa người chết về cõi vĩnh hằng. Chỉ có con ngựa mới có đủ sức mạnh huyền bí để chở thầy cúng người Mông đi về các cõi trời, cõi đất và sông biển để tìm linh hồn người ốm chữa bệnh cho người Mông.
Theo bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà, việc duy trì Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà là một trong những nỗ lực của địa phương nhằm tôn vinh giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào thiểu số vùng cao Bắc Hà nói chung và ngợi ca nét độc đáo, tình cảm gắn bó giữa con người vùng cao với loài vật vô cùng gắn bó, thân thuộc trong cuộc sống sinh hoạt, đời sống tâm linh của họ.
Theo lịch sử, giải đua ngựa Bắc Hà thường được tổ chức vào mùa xuân với quy mô toàn vùng. Vào năm 1975, ở Bắc Hà tổ chức một buổi diễu hành với trên 200 con ngựa đi khắp khu vực trung tâm chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến mùa xuân năm 1980, Huyện đội (Ban Chỉ huy Quân sự) Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sĩ, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ. Sau đó, Bắc Hà không tổ chức giải lần nào nữa.
Đến năm 2007, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được khôi phục lại. Từ đó đến nay, giải đã trở thành lễ hội thường niên của huyện Bắc Hà, được tổ chức mỗi năm 1 lần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa thể thao đặc sắc của đồng bào các dân tộc Bắc Hà; quảng bá hình ảnh con người, du lịch Bắc Hà đến du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Bắc Hà.
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà trước đây diễn ra xung quanh cánh đồng, các quả đồi và đích là bãi đất ở trung tâm thị trấn. Khi gần về tới đích, các kị mã nhảy thật nhanh xuống đất, rút khẩu súng kíp trên vai và nhằm vào bia bắn 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng.
Ngày nay, cuộc đua ngựa ở Bắc Hà đã không còn thi bắn súng, các nài ngựa cũng có một sân thi đấu riêng, cuộc đua được tổ chức bài bản và hấp dẫn người xem hơn.
Không mang tính chất thương mại, không phải giải đua chuyên nghiệp, đua ngựa ở Bắc Hà là cuộc đua của những người nông dân và ngựa đua là những con ngựa thồ. Đặc biệt, đua ngựa ở Bắc Hà là “đua mộc,” những nài cưỡi trên lưng ngựa không có yên cương, không bàn đạp giữ chân mà chỉ có đai buộc ngựa, hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển.
Trong quá trình tham gia tranh tài, nhìn những nài ngựa cúi rạp mình trên lưng những con “tuấn mã” đang phi nước đại mới thấy cái khó và sự dũng cảm của những kỵ sỹ trên đường đua.
Anh Vàng Văn Huỳnh, nài ngựa đã dành 2 chức vô địch liên tiếp (năm 2012 và 2013) chia sẻ khi thi đấu cũng cần quan sát ngựa của đối phương để điều khiển ngựa, đồng thời giữ khoảng cách, tránh để ngựa chen lấn va chạm nhau dễ xảy ra tai nạn: "Ngồi vững trên lưng để điều khiển con ngựa khi chạy. Lúc vào cua thì kéo cương và hãm tốc độ lại để tránh bị ngã. Khi đường thẳng thì thả cương và thúc ngựa chạy hết tốc lực."
Năm nào cũng vậy, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà thu hút rất đông du khách trong nước và ngoài nước đến tham dự. Khán giả được trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc: nín thở khi có chú ngựa chạy quá đà lao ra khỏi sân, phi thẳng về phía rào chắn; thót tim khi có nài ngựa bị ngã ngựa trên đường đua hay vỡ òa niềm vui khi những chú ngựa bứt tốc vượt đối thủ một cách ngoạn mục.
Ông Sùng Seo Dùng (thôn Sừ Mần Khang, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà) có thâm niên nuôi ngựa nổi tiếng ở Bắc Hà cho biết: "Ngựa tốt để đua phải là ngựa đực có thân hình cao lớn, vó dài, thẳng, lông mượt, đôi mắt tinh nhanh, vồng ngực nở rộng, bụng thon gọn, bước chạy dài và đều. Chọn con ngựa để đi đua thì chân phải thẳng, móng dày… nếu móng chân mà tòe ra như chân con vịt thì ngựa chạy kém."
Trên những đường đua của Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, ấn tượng để lại cho du khách luôn là niềm phấn khích dâng trào, sự cảm phục đối với các chàng trai người dân tộc địa phương chất phác, dũng cảm, cùng những chú ngựa đua mạnh mẽ mang đến cho khán giả những màn biểu diễn hấp dẫn, những cuộc so tài nóng bỏng. Đó chính là những trải nghiệm khó quên trong lòng mỗi du khách khi một lần đến với cao nguyên Bắc Hà./.
Theo Vietnam+) – 8/6/2021
https://www.vietnamplus.vn/bao-ton-nhung-net-dac-sac-cua-di-san-van-hoa-le-hoi-dua-ngua-bac-ha/718446.vnp