Cập nhật: 14/06/2021 15:45:00
Xem cỡ chữ

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, thị phi trong phiên "chợ ảo" lâu dần sẽ tạo ra sự tiêu cực về văn hóa lan rộng.

Ông Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian đã có cuộc trò chuyện với PV Dân trí về văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

Mạng xã hội là một cái chợ, người nói ẩn hình, tràn lan chửi rủa, lọc lừa - 1

"Mạng xã hội là một cái chợ, người nói ẩn hình. Không đối diện một cách trực tiếp nên người ta cảm giác được tự do nói càng cao".

Thị phi trong phiên "chợ ảo"

Thưa ông, có một thực tế tồn tại đó là hiện tượng thóa mạ, xúc phạm nhau trên mạng xã hội, thậm chí có những câu chuyện rất đau lòng khi không ít các em học sinh đã tìm đến cái chết vì không chịu được những bình luận ác ý. Là một chuyên gia văn hóa, đồng thời là một người dùng mạng xã hội, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Theo quan điểm của tôi, tôi thấy không gian mạng vô cùng tiện lợi cho người ta thể hiện ý nghĩ của mình.

Mạng xã hội là một cái chợ, người nói ẩn hình. Không đối diện một cách trực tiếp nên người ta cảm giác được tự do nói càng cao.

Người ta có thể đưa ra những thông tin, ý nghĩ, nhiều khi là sự chửi rủa, phê phán, kể cả mang tính tục tĩu...

Điều này lâu dài sẽ tạo ra sự tiêu cực về văn hóa lan rộng. Sự tác động tiêu cực không những đối trẻ em mà cả người lớn, những người nhạy cảm. Người ta sẽ bị khủng hoảng tinh thần một cách nặng nề.

Ai có chính kiến, chịu đựng được còn có thể vững vàng, còn hầu hết tất thảy sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực trên mạng. Phải nói rằng, lớp trẻ nhỏ bị ảnh hưởng ngày càng mạnh của mạng xã hội.

Mạng xã hội là một cái chợ, người nói ẩn hình, tràn lan chửi rủa, lọc lừa - 2

Ngô Bá Khá và Dương Minh Tuyền - hai "giang hồ mạng" ồn ào gây "náo loạn" mạng xã hội. 

Vậy theo ông, để hạn chế những tác động tiêu cực từ hiện tượng đau lòng này, chúng ta phải làm gì?

Hiện nay, ngoài biện pháp về giáo dục, các thể chế luật pháp, quan hệ với các công ty, nhà mạng, các nhà sản xuất mạng xã hội,... chúng ta tạm thời phải sống chung với không gian mạng.

Thiết chế chính trị, thiết chế văn hóa cần có sự phản ứng kịp thời

Sống chung ở đây phải được hiểu như thế nào thưa ông? Làm thế nào để chúng ta đứng trong không gian đó mà vẫn an toàn và có một bầu không khí an lành nhất?

Cứ thử quan sát, bạn sẽ thấy, cùng một thông tin, có người chỉ bị ảnh hưởng thoáng qua, có người bị ảnh hưởng một cách sâu sắc.

Mỗi người nên tự rèn luyện và trang bị cho mình những kiến thức xã hội sâu rộng. Điều này có thể thông qua việc đọc một số lượng đầu sách lớn có tính tích cực và đa dạng để chống lại các thông tin tiêu cực, xác lập nhân cách của mình.

Những ai đọc sách nhiều thường có nhận xét, quan điểm vững vàng trên không gian mạng. Những người ít đọc sách, ít được đào tạo phương pháp luận, kỹ năng sống, thường bị "xao xuyến".

Để nhận xét được một thông điệp mang tính tiêu cực không phải ai cũng làm được. Người ta không những xúc phạm nhân cách mà còn lừa đảo trên mạng rất nhiều, đưa những thông tin sai lệch một cách tự do.

Có những người đưa rất khôn ngoan, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội bằng chiêu trò đứng đằng sau tung ra và chờ đợi comment (bình luận) của người khác, lôi kéo tạo ra những luồng dư luận về mặt văn hóa rất tiêu cực.

Trên thế giới cũng tồn tại thực trạng này chứ không riêng gì chúng ta.

Không phải bất cứ điều gì cũng có thể đưa ra định chế pháp luật mà mỗi cá nhân phải tự điều chỉnh dần. Tất cả đều pháp luật hóa cũng không thể đủ sức làm.

Một vấn đề cơ bản khác, đó là chúng ta cũng đã rất nhiều lần phản ánh lại với các tập đoàn công nghệ như Google, Youtube, Facebook... yêu cầu họ phải cắt hàng vạn tin tiêu cực, sai lệch nhưng phải thừa nhận, những thông tin này bùng nổ như virus, cực kỳ khó kiểm soát.

Mỗi quốc gia có quy ước, định chế riêng. Câu chuyện giữa Facebook - Australia thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Chúng ta vừa kết hợp với các mạng xã hội nhưng kiên quyết phản ứng lại cái xấu. Thiết chế chính trị, thiết chế văn hóa cần có sự phản ứng kịp thời.

Tháng 7/2020, lần đầu tiên Liên minh châu Âu đã áp dụng các quy định truyền phát chung với các mạng xã hội như: Facebook, YouTube... Theo đó, những nền tảng này phải có biện pháp ngăn chặn các nội dung bị gắn cảnh báo kích động, bạo lực, thù hận… Đây cũng được coi là những biện pháp cần được đẩy mạnh tại Việt Nam.

Theo Nhật Phương/dantri.com.vn – 14/6/2021

https://dantri.com.vn/van-hoa/mang-xa-hoi-la-mot-cai-cho-nguoi-noi-an-hinh-tran-lan-chui-rua-loc-lua-20210614140725992.htm