PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia VN nhận định: “Văn nghệ sĩ là những người nổi tiếng, được biết đến rộng rãi, chính vì thế những phát ngôn hay phong cách sống, ứng xử không phù hợp với các giá trị đạo đức của họ có tác động tiêu cực hơn nhiều đối tượng khác"
PV: Thời gian gần đây xảy ra khá nhiều vụ việc ồn ào liên quan đến những phát ngôn thiếu chuẩn mực, những cách hành xử thiếu văn minh của nghệ sĩ trên mạng xã hội. Ông đánh giá như nào về những vụ việc này?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Trước hết chúng ta phải lên án những phát ngôn lệch chuẩn của các nghệ sĩ trên mạng xã hội. Văn nghệ sĩ là những người được công chúng biết đến rộng rãi, chính vì thế những phát ngôn hay phong cách sống, ứng xử của họ luôn là điều mà nhiều người ngưỡng mộ, dõi theo, chịu ảnh hưởng cả ở những điều tốt và chưa tốt, tích cực và tiêu cực.
Đó là lý do tại sao chúng ta luôn mong muốn văn nghệ sĩ phải là những tấm gương tốt ở trong xã hội, để từ đó định hướng lối sống cho công chúng nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng. Vì vậy, chúng ta cũng luôn mong muốn văn nghệ sĩ phát ngôn phù hợp, hành vi chuẩn mực trên mạng xã hội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy xuất hiện rất nhiều hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội. Đó là chỉ báo cho thấy văn minh ứng xử không phù hợp, là dấu hiệu cảnh báo chúng ta cần có bộ quy tắc ứng xử văn minh trên mạng. Chính vì chúng ta không có được hành vi ứng xử văn minh, chưa có được một bộ quy tắc ứng xử phù hợp trên mạng khiến nhiều người có hành vi ứng xử lệch chuẩn, trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng. Vấn đề quan trọng ở đây vì là người nổi tiếng nên họ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ công chúng. Sự lệch chuẩn của họ có tác động tiêu cực nhiều hơn so với các nhóm đối tượng xã hội khác.
PV: Có ý kiến cho rằng những phát ngôn chưa chuẩn, gây sốc của nghệ sĩ đôi khi là do “vạ miệng” nhưng đôi khi do cố tình, thoả mãn cái tôi của nghệ sĩ. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần xuất phát từ bản tính nghệ sĩ. Đối với các nghệ sĩ, để có thể sáng tạo, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, riêng có, nên cái tôi cá nhân của nghệ sĩ rất lớn, và điều này đôi khi dẫn đến việc họ đôi khi cũng có thể thể hiện bản thân mình nhiều hơn.
Lý do thứ hai, tôi cho rằng những phát ngôn đó xuất phát từ việc nghệ sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử trên môi trường mạng, lại chưa có bộ quy tắc ứng xử để điều tiết hành động nên họ có thể có những lúng túng nhất định trong việc nói gì, viết gì, đưa hình gì lên trên mạng xã hội.
Còn lý do thứ ba là thật sự cũng có một số rất ít nghệ sĩ muốn lợi dụng câu chuyện này để tạo ra sự quan tâm, gây chú ý nhiều hơn. Họ muốn gây dựng tên tuổi bằng scandal, phát ngôn gây sốc… Trên thực tế, những scandal như thế có thể tạo ra sự quan tâm của một nhóm công chúng nhưng không đảm bảo tên tuổi, uy tín mang tính bền vững cho người nghệ sĩ.
Ngày 17/6, Bộ Thông tin & Truyền thông đã chính thức ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
PV: Vừa qua, có trường hợp một nghệ sĩ phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội đã phải chịu kỷ luật. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ tự do khác cũng có ứng xử không phù hợp nhưng không phải nhận những chế tài xử lý. Với những trường hợp này thì phải làm như thế nào, thưa ông?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta gặp vướng mắc trong việc xử lý những vi phạm, phát ngôn lệch chuẩn,… của các nghệ sĩ. Những trường hợp xử lý vi phạm được chỉ là những nghệ sĩ nằm trong hệ thống hành chính, cơ quan quản lý của Nhà nước vốn có những qui định riêng nên mới có thể xử lý được. Ngoài qui định của cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta đã lúng túng trong việc xử phạt đối với các nghệ sĩ tự do. Vì thế, chúng ta cần phải có các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hơn đối với các hành vi trên mạng này để có thể áp dụng các chế tài.
Ngày 17/6, Bộ Thông tin & Truyền thông đã chính thức ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Việc ban hành này có tác dụng rất lớn để chúng ta có được sự điều tiết hành vi của mỗi người trên môi trường mạng. Trong đó, những người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những hành động, phát ngôn, hình ảnh của mình. Theo đánh giá của tôi, đây là những tín hiệu rất tốt để chúng ta điều tiết các hành vi trên mạng xã hội.
Trong quá trình thực hiện bộ quy tắc ứng xử này, chúng ta cần hình thành dư luận xã hội, những ý kiến có sức nặng đủ để ngăn cản những vi phạm, hành vi lệch chuẩn của các nghệ sĩ nổi tiếng, đồng thời nên khuyến khích các hành động chuẩn mực, ứng xử tốt của các nghệ sĩ. Ủng hộ những cái tốt, bài trừ những cái xấu thì chúng ta mới có được một môi trường lành mạnh, văn minh.
PV: “Nghệ sĩ” là cụm từ cao quý bởi nó không chỉ tôn vinh những thành quả lao động, sáng tạo mà còn đề cao vai trò của người làm nghệ thuật đối với công chúng, xã hội. Tuy nhiên, ứng xử lệch chuẩn đã đặt ra vấn đề cần có một thước đo chuẩn mực về đạo đức đối với người nghệ sĩ?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Nghệ sĩ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nhân cách con người. Nghệ sĩ gắn với nghệ thuật, nghệ thuật luôn gắn với chân – thiện – mỹ, những giá trị định hướng sự phát triển văn hóa cho xã hội. Nghệ thuật hay nghệ sĩ không đơn thuần hướng đến các hoạt động giải trí, mà hướng con người ta đến giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Vì thế chúng ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí và ý nghĩa của văn nghệ sĩ cũng như nghệ thuật trong sự phát triển chung của xã hội.
Để tạo điều kiện cho người nghệ sĩ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong xã hội thì chắc chắn chúng ta phải có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với văn nghệ sĩ. Tôi nghĩ rằng Hội Nghệ sĩ Sân khấu chính là tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp này. Làm được như thế, chúng ta mới tạo ra định hướng đúng đắn, tốt đẹp cho hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ.
PV: Theo ông, những phát ngôn, hành xử trên mạng xã hội có thể là một thước đo, một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá, xét tặng những danh hiệu nghề nghiệp cao quý như NSND, NSƯT?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Việc phong tặng NSƯT, NSND là một quá trình trong đó xét đến rất nhiều yếu tố khác nhau. Tất nhiên, những thành tựu nghề nghiệp đạt được là vô cùng quan trọng nhưng các yếu tố khác như trách nhiệm nghề nghiệp, các vấn đề liên quan đến đạo đức cũng luôn luôn được xem xét qua các hội đồng, các cấp khác nhau. Sau đó, chúng ta cũng đã lấy ý kiến rộng rãi của công chúng. Điều đó cho thấy việc xét tặng là một quá trình rất kĩ lưỡng, tỉ mỉ, theo đúng quy định nhất định.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy có một số ít nghệ sĩ được phong tặng nhưng vẫn chưa thực sự là tấm gương tốt, chưa xứng đáng với kỳ vọng của chúng ta với danh hiệu mà họ có. Điều này đặt ra những câu hỏi cần phải trả lời liên quan đến những tiêu chí về mặt đạo đức nghề nghiệp hay đạo đức công dân của nghệ sĩ này phải được xét như thế nào để không để lọt số ít nghệ sĩ chưa đảm bảo tiêu chí về mặt đạo đức nhưng vẫn nhận được danh hiệu NSƯT, NSND?
Tôi nghĩ, chúng ta cần phải cụ thể hoá hơn nữa, làm rõ hơn nữa các tiêu chí xét tặng. Bên cạnh đó, cũng cần có sự giám sát, lấy ý kiến rộng rãi hơn từ xã hội khi xét các danh hiệu này cho các nghệ sĩ.
Trước khi xét tặng danh hiệu, các danh sách các nghệ sĩ luôn được công khai trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, khi xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên khiến chúng ta đặt ra những suy nghĩ liệu việc lấy ý kiến đã đủ rộng rãi hay chưa, danh sách công khai đã đến tất cả người cần hay chưa khi làm thủ tục công nhận các danh hiệu này. Và khi có được ý kiến đầy đủ, rộng rãi, khách quan thì chúng ta sẽ có thêm cơ hội lựa chọn được đúng người, đúng danh hiệu.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Thiếu Anh/VOV.VN – 19/6/2021
https://vov.vn/van-hoa/su-lech-chuan-cua-nghe-si-tren-mang-xa-hoi-co-tac-dong-tieu-cuc-hon-nhieu-doi-tuong-khac-867373.vov