Cập nhật: 01/07/2021 16:28:00
Xem cỡ chữ

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain).

Trước đó, Thủ tướng đã có Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ chuỗi khối (Blockchain).

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

(Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho sàn giao dịch tiền ảo hay tiền mã hoá nào. Đây cũng là thông điệp của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước gửi đến các nhà đầu tư, người dân liên quan đến tiền ảo.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Thời gian để Ngân hàng Nhà nước thực hiện là từ 2021-2023.

Theo các chuyên gia tài chính Quốc tế, có những quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc đã chấp nhận những đồng tiền ảo để thanh toán các dịch vụ công, Thụy Sỹ cũng cho phép sử dụng tiền ảo để thanh toán tất cả các dịch vụ. Một số nước quản lý và thu thuế các đồng tiền ảo và có cơ sở pháp luật để tránh những vấn đề về trốn thuế, rửa tiền.

Ông Leonhard A Weese, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Hồng Kông, chuyên gia nghiên cứu tiền ảo cho biết: “Chưa có bằng chứng nào chứng minh đồng Bitcoin có lợi hay có hại nhiều hơn. Có nhiều quốc gia muốn thử thách xem có thể vận dụng đồng Bitcoin để làm một loại phương tiện thanh toán mới, có thể quản lý dễ dàng hơn các loại phương tiện thanh toán khác không nên họ chấp nhận Bitcoin là một loại phương tiện thanh toán hợp pháp”.

Liên quan đến quản lý nhà nước về tiền ảo, tài sản ảo, trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo được thành lập theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24.4.2020. Hiện nay, Tổ đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát./.

Theo Bảo Ngọc/VOV1 – 1/7/2021

https://vov.vn/kinh-te/thu-tuong-giao-ngan-hang-nha-nuoc-nghien-cuu-thi-diem-tien-ao-870474.vov