Cập nhật: 02/07/2021 17:03:00
Xem cỡ chữ

Nếu không duyệt các phim phổ biến trên môi trường mạng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả và không công bằng so với việc phổ biến phim trong các môi trường khác.

Netflix cung cấp phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Mới đây, theo thông tin từ Cục Phát thanh -Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông), Công ty Netflix đã gỡ bỏ bộ phim truyền hình "Pine Gap" dài 6 tập, do bộ phim này đã có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam ngay sau khi Cục có văn bản yêu cầu gỡ bỏ bộ phim này. Cụ thể, hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trên biển Đông đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2 và phút 52 của tập 3 của bộ phim.

Trước đó, trên dịch vụ của Công ty Netflix cũng đã chiếu các bộ phim "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta – “Put Your Head On My Shoulder" (tháng 7/2020) và bộ phim "Bà Ngoại trưởng - Madam Secretary" (tháng 8/2020) có hình ảnh bản đồ hình lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông. Vào thời điểm đó, Cục PT-TH và TTĐT đã kịp thời có các văn bản số 1330/PTTH&TTĐT ngày 20/7/2020, văn bản số 1665/PTTH&TTĐT ngày 28/8/2020 yêu cầu Công ty Netflix gỡ bỏ các bộ phim vi phạm.

“Ông lớn” của ngành dịch vụ phim trực tuyến trên thế giới – Netflix bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2016. Tính đến tháng 10/2018, ước tính có hơn 300.000 thuê bao sử dụng với ba mức phí có thể lựa chọn từ 180.000-260.000 đồng/tháng với phương thức thanh toán trực tiếp cước phí qua thẻ cho Netflix. Tuy nhiên, mức giá 260.000 đồng/tháng để có chất lượng hình ảnh 4K và có thể sử dụng cùng lúc 4 thiết bị, tức là chia ra 4 người sử dụng, mỗi người chỉ mất 65.000 đồng/tháng để truy cập kho phim không giới hạn. Netflix từng bước xâm nhập thị trường Việt, thay đổi thói quen của người sử dụng, đánh vào đối tượng khách hàng trẻ, trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với CGV, Galaxy, BHD và các nền tảng truyền hình trả tiền khác.

Thu lợi lớn từ thị trường Việt Nam, tuy nhiên, đến nay, Netflix vẫn chưa có giấy phép hoạt động.

Câu chuyện về việc Netflix ngang nhiên hoạt động trái phép tại Việt Nam, chưa thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế đầy đủ, gây bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác còn chưa ngã ngũ; thì một vấn đề nổi cộm khác đó chính ra Netflix chưa phải chịu sự quản lý, không phải kiểm duyệt nội dung.

Vào tháng 8/2020, Netflix từng vướng vào làn sóng tẩy chay lớn khi chiếu bộ phim “Cuties” vì cho rằng bộ phim trẻ em này chứa nhiều cảnh gợi dục. Bộ phim gây tranh cãi này cũng được trình chiếu trên Netflix Việt Nam và vấp phải làn sóng phản đối lớn của người xem.

Quản lý phim trên mạng không thể theo phương thức quản lý phim truyền thống

Trong hội nghị - hội thảo Góp ý xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi diễn ra hồi tháng 12/2020, Cục Điện ảnh, Cục PT-TH và TTĐT cùng với các chuyên gia điện ảnh đã cùng đề cập đến câu chuyện nan giải hiện nay là vấn đề quản lý phim trên mạng internet.

Theo bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, những quy định trong Luật Điện ảnh (2006) của ta không “theo kịp” sự bùng nổ của phim nói riêng và tất cả những thứ khác nói chung trên không gian mạng. Trên thực tế, Luật mới chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh, rà soát phim phát hành trên hệ thống rạp chiếu và trên sóng truyền hình, còn trên hệ thống các nền tảng số, nhất là các nền tảng xuyên biên giới (như: Netflix, Iflix, WeTV…), gần như chưa đề cập đến.

Chính vì thế, dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) đã bổ sung quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng. Theo đó, Điều 19 có quy định Phim phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam phải được cấp giấy phép phổ biến và phân loại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh – truyền hình; Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam…

Theo NSƯT Lê Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình – Đài THVN, hiện có tới 70% lưu lượng truy cập internet mỗi ngày chỉ để xem video. Nhu cầu sử dụng các ứng dụng giải trí như Netflix, Youtube… đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập internet trong các hộ gia đình. Nhiều người tìm đến các dịch vụ giải trí trực tuyến mà sự tăng trưởng của lĩnh vực này mang tính xu thế.

Nền tảng xem phim trực tuyến ghi nhận rõ ràng những thay đổi này. Theo một số thông kê năm 2019-2020, nền tảng chiếu phim trực tuyến bùng nổ và lần đầu tiên đạt doanh thu lớn hơn doanh thu phòng chiếu.

NSƯT Lê Mạnh cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có các điều khoản này là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế và sẽ là định hướng cho thời gian tiếp theo.

“Thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ quy định nên đã đem lại rủi ro cho người sử dụng tại Việt Nam. Do các nội dung không được biên tập, kiểm duyệt nên đã có xuất hiện nội dung vi phạm nghiêm trọng các điều cấm tại Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, xuyên tạc lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, làm sai lệch chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt các nội dung xấu độc gây hại đến trẻ em… Nhiều doanh nghiệp không có cam kết với người sử dụng về chất lượng mặc dù đã thu tiền trước (không nộp thuế), khi chất lượng kém, thậm chí mất dịch vụ thì người sử dụng không được bảo vệ. Chính vì việc này, Cục PT-TH và TTĐT sẽ tham mưu ban hành quy định bổ sung cho Nghị định 06/2016/NĐ-CP, dự kiến quy định mới khi được ban hành sẽ quản lý tận gốc các nội dung vi phạm, đảm bảo quyền lợi người sử dụng tại Việt Nam”, NSƯT Lê Mạnh cho biết.

Theo TS Ngô Phương Lan, Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, việc cung cấp nội dung trên mạng (hiện thường được nói đến như dịch vụ OTT), theo Điều 19 dự thảo rất chặt chẽ, nhưng có thể không khả thi, vì nếu quản lý theo phương thức quản lý phim truyền thống thì nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ đưa vào kho nội dung của mình một lượng phim nhiều gấp hàng nghìn lần so với lượng phim được chiếu ở rạp, dẫn đến khó có Hội đồng nào duyệt xuể. Tuy nhiên, nếu không duyệt các phim phổ biến trên môi trường mạng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả và không công bằng so với việc phổ biến phim trong các môi trường khác.

“Mặt khác, người xem trên dịch vụ OTT sẽ tự chọn nội dung và thời điểm họ muốn xem mà không phụ thuộc ý chí của nhà cung cấp dịch vụ, khác với việc người xem phim ở rạp chỉ có thể xem phim do rạp chiếu theo lịch của rạp chiếu phim. Theo đó, yêu cầu các tổ chức cá nhân nước ngoài phổ biến phim trên không gian mạng phải có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng khó khả thi, và trên thực tế, các tổ chức nước ngoài sẽ vẫn cung cấp dịch vụ trên mạng cho người xem Việt Nam và hoàn toàn đứng ngoài vòng kiểm soát của pháp luật Việt Nam”, TS Ngô Phương Lan cho biết.

TS Ngô Phương Lan đề nghị lấy thêm ý kiến của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để quy định về phổ biến phim trên môi trường mạng vừa công bằng với việc phổ biến phim trong các môi trường khác, phù hợp với sự phát triển của điện ảnh, công nghệ và khả thi./.

Theo Phương Anh - An Chi/VOV.VN - 2/7/2021

https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/khong-kiem-duyet-phim-tren-moi-truong-mang-hau-qua-se-khon-luong-870776.vov