Cập nhật: 03/07/2021 08:15:00
Xem cỡ chữ

Trong bối cảnh nền âm nhạc nước nhà đang tồn tại nhiều dòng chảy, phong cách khác nhau, sự lên ngôi của nhạc nhẹ, với sức hút rộng khắp, thu hút lượng khán giả đông đảo thì âm nhạc cổ điển nói riêng, nghệ thuật hàn lâm nói chung luôn bị mặc định là “kén người nghe”.

Thế nhưng, các nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực này đã có nhiều nỗ lực để mang nghệ thuật hàn lâm đến công chúng, bằng những tác phẩm chất lượng cao, những đêm diễn chật kín khán giả- điều mà cách đây hơn 10 năm trước chúng ta chưa từng nghĩ đến.

Thử nghiệm, sáng tạo là vô cùng

Tháng 10 năm 2019, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam công diễn vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, khắc họa thành công cuộc chiến bền bỉ của buôn làng Tây Nguyên và Đế quốc Mỹ vào những năm 60 của thế kỉ trước. “Người tạc tượng” là một trong những vở opera đầu tiên của Việt Nam, công diễn lần đầu năm 1975. Trong lần trở lại này, vở nhạc kịch đã được làm mới nhưng vẫn giữ được bản sắc ngôn ngữ Việt Nam, tròn vành, rõ chữ khi hòa vào giai điệu opera như nhận định của nhạc sĩ Doãn Nho khi có mặt tại buổi công diễn. “Trong vở Opera này đã hình thành ngôn ngữ của opera trong thanh nhạc. Đó là điều rất mừng và không dễ chút nào. Bây giờ anh hát theo cách ngân của phương Tây thì đúng là người ta dễ cảm nhận. Nhưng mà opera Việt Nam thì phải thế nào? Phải khác từ cách viết, cách dàn dựng, cách hát, cách phối âm. Đây là một bước tiến rất đáng mừng. Tuy vậy, không nên nghĩ rằng một chốc, một lát mà đã thành công. Tôi hi vọng lớp trẻ tiếp bước để rồi chúng ta có một nền nhạc kịch Opera Việt Nam”, nhạc sĩ Doãn Nho bày tỏ mong muốn.

Các nghệ sĩ tập luyện vở diễn “Người tạc tượng”. Ảnh: VNOB

Các nghệ sĩ tập luyện vở diễn “Người tạc tượng”. Ảnh: VNOB

Trong bối cảnh nhạc nhẹ chiếm ưu thế, việc đưa nghệ thuật cổ điển như opera, balle trở lại với đời sống là bài toán rất khó. Thế nhưng, tiếp sau thành công của vở nhạc kịch “Người tạc tượng”, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã cho ra mắt vở balle Hồ Thiên Nga, nhạc kịch “Những người khốn khổ” với 10 đêm công diễn cháy vé tại Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Hương Giang một khán giả đến xem nhạc kịch cảm nhận: chất lượng hát, biểu diễn và sự chuyển cảnh trên sân khấu trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” rất nhuần nhuyễn, tạo cho khán giả nhiều cảm xúc. Bởi là nhạc kịch, “kết hợp cả kịch, cả vũ làm cho không gian, những hành động trên sân khấu thay đổi và người xem không bị nhàm chán”. Là người đã từng đã đọc sách và  xem phim “Những người khốn khổ”, chị Hương Giang so sánh  “khi xem trong Nhà hát, tức là xem biểu diễn trực tiếp thì cảm thấy rất sống động hơn rất nhiều. Những mạch máu trong cơ thể tôi chạy rần rật”.

Theo nghệ sĩ Thế Tùng Lâm- người đảm nhận vai chính Giăng Van- Giăng thì khó khăn nhất của anh cũng như không ít đồng nghiệp khi tham gia vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” chính là lời thoại tiếng Anh. Diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật, trải dài từ đầu đến cuối buổi biểu diễn luôn thử thách anh, sao cho vừa ca, vừa diễn khớp với dàn nhạc. Lúc đầu bản thân anh cũng cảm thấy ngại, không biết mình có làm được không? Nội dung vở kịch khá đồ sộ, 300 trang kịch bản  bắt buộc anh và các diễn viên phải thuộc trong 6 tháng để công diễn. Riêng phát âm tiếng Anh của nghệ sĩ Thế Tùng Lâm ban đầu cũng  “rất buồn cười, sai rồi sửa, làm đi làm lại”. “Một cái khó nữa là vở kịch này có tuyến nhân vật rất phức tạp. Trong mỗi lần diễn không giống nhau hoàn toàn, luôn có sự thay đổi, đòi hỏi người diễn viên phải linh hoạt, không cố định trong một mô típ nào cả. Trong những đoạn hát, kĩ thuật khá cao, có cả những đoạn nhỏ, đoạn kịch tính, có những đoạn rất lớn nên kĩ thuật thanh nhạc phải đạt được một trình độ nhất định mới diễn được”- Nghệ sĩ Thế Tùng Lâm chia sẻ.

Sự trở lại của một loại hình âm nhạc bác học

Sự hưởng ứng của công chúng khán giả trong nước cho thấy một loại hình âm nhạc kén khán giả như nhạc kịch, nếu được đầu tư công phu, bài bản vẫn luôn có sức hút lớn. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: Đã đến lúc cho thấy sự trở lại của một loại hình âm nhạc bác học, với những công chúng mới. “Số lượng người đến trong các buổi biểu diễn là điều minh chứng hình như đã đến lúc Hà Nội cũng như khán thính giả của loại hình nghệ thuật này đã bắt đầu xuất hiện. Vậy thì phải làm tốt, làm tốt hơn nữa”- họa sĩ Lê Thiết Cương nói .

Còn với nhà văn Nguyễn Trương Quý, năng lượng diễn xuất và khả năng làm chủ cảm xúc của các nhân vật trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” đã để lại ấn tượng sâu đậm với một khán giả như anh. Mặc dù vở nhạc kịch này đã được biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, bản thân anh cũng đã từng xem phiên bản tại nước Anh, nhưng “Những người khốn khổ” do Nhà hát nhạc vũ kịch dàn dựng đã thể hiện sự làm chủ, thậm chí là “liều mạng” nhưng lại có cơ sở với một loại hình nghệ thuật khá phức tạp, trong bối cảnh dịch bệnh Covid như hiện nay. Nhưng sự liều mạng ấy là có cở sở: Một là, trình độ thưởng thức của công chúng đã được cọ xát vì họ có nhiều kênh để nghe, xem. Một điều kiện nữa là trình độ ngoại ngữ của nghệ sĩ cũng như công chúng có thể được trau dồi thông qua việc biểu diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, khán giả nước ngoài có cơ hội thưởng thức một phiên bản “Những người khốn khổ” của người Việt bằng tiếng Anh. Đó là điều trước đây chúng ta mơ cũng không làm được.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam khẳng định: làm những vở nhạc kịch, vũ kịch lớn là nhiệm vụ và cũng là mục tiêu của Nhà hát để mang đến công chúng những tác phẩm có giá trị lâu bền với thời gian. “Đường đi của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam luôn luôn là con đường mà chức năng của nó đã tạo ra, làm nên những vở nhạc kịch lớn, vũ kịch lớn, làm những cái mà bản chất mình phải làm như thế. Nghệ thuật không bao giờ có điểm kết thúc. Nghệ thuật luôn luôn là cái mình phải đi tìm để tốt và tốt hơn nữa”- NSƯT Trần Ly Ly nói.

Biên đạo múa Trần Ly Ly, quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. (Ảnh: Dân Trí)

Biên đạo múa Trần Ly Ly, quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. (Ảnh: Dân Trí)

Suốt một thời gian dài, nghệ thuật hàn lâm bị mặc định là xa lạ, khó hiểu. Các chương trình biểu diễn như giao hưởng, ba lê, nhạc kịch diễn ra thường xuyên, với những đêm diễn cháy vé là tín hiệu đáng mừng, cho thấy thị hiếu công chúng khán giả đã có sự thay đổi. Nhưng có lẽ, sâu xa của hiện tượng này chính là bởi nỗ lực của những người làm nghề, dám đổi mới, dám đầu tư những tác phẩm có chất lượng.

Sự dám đổi mới của các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm không chỉ thể hiện ở nội dung các chương trình biểu diễn mà còn ở hình thức, không gian biểu diễn. Đây cũng chính là nội dung kì 2 loạt phóng sự “Đưa nghệ thuật hàn lâm đến công chúng”, với nhan đề “Thánh đường nghệ thuật không chỉ là Nhà hát”./.

Theo Phương Thúy/VOV6 - Ngày 3/7/2021

https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/dua-nghe-thuat-han-lam-den-cong-chung-dang-sau-nhung-dem-dien-chay-ve-870719.vov