Cập nhật: 05/07/2021 09:45:00
Xem cỡ chữ

Mùa hè nắng nóng là thời gian rất dễ mắc các bệnh về da...Nguyên nhân gây các bệnh về da vào mùa hè là do thời tiết nắng, nóng, độ ẩm cộng thêm một số tác động môi trường khác gây kích thích da, tạo nên những phản ứng không có lợi, da bị ngứa ngáy nhiều.

Cùng điểm mặt các bệnh da hay gặp nhất vào mùa hè nhé:

Mụn trứng cá

Mùa hè nắng nóng là nguyên nhân cho da tăng tiết mồ hôi và bã nhờn, khiến vi khuẩn P.acne dễ dàng xâm nhập vào lớp biểu bì, gây mụn trứng cá.

Rôm sảy

Rôm sảy là tình trạng da của bé có những nốt mẩn đỏ, có mun nước trong, đôi khi có mụn mủ xen lẫn. Rôm sảy thường xuất hiện ở các vị trí là các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán, mặt và cổ,...

Viêm nang lông

Viêm nang lông là tình trạng viêm nhiễm ở phần nông của nang lông. Viêm nang lông thường gây ra triệu chứng khó chịu cho người bệnh như: vùng da viêm bị ngứa, xuất hiện sẩn, mụn mủ, vết trợt do gãi. Diễn biến viêm nang lông thường dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm.

Nấm da

Bệnh nấm da là loại bệnh nhiễm trùng da thường gặp mà nguyên nhân chủ yếu do khí hậu nóng ẩm hay vệ sinh da kém.

Chốc

Là một nhiễm khuẩn nông thường gặp ở da, đặc trưng bởi mụn mủ, bọng nước và các vết trợt đóng vảy tiết màu mật ong. Hầu hết trẻ bị chốc trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, số bệnh nhi tăng hơn khi vào mùa hè.

Viêm kẽ

Triệu chứng của viêm kẽ thường có ngứa rát, đau ở các nếp của cơ thể thường trở nên đỏ, nứt kẽ và thượng bì ướt, trợt ra. Có thể gặp ở người ra mồ hôi nhiều, béo phì, đái tháo đường, vệ sinh kém, tuổi cao...

Để phòng chống các bệnh ngoài da, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyên bạn cần:

Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Cần thường xuyên tắm rửa, luôn đảm bảo cho làn da khô thoáng và sạch sẽ, gội rửa hết bụi bẩn trên da, nhất là sau một ngày làm việc mệt nhọc hoặc sau khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Dù vậy, không nên quá lạm dụng việc tắm rửa.

Bảo vệ da khi đi ngoài nắng: Khi ra trời nắng nóng cần bảo vệ da thật kỹ bằng cách đội nón mũ, mặc quần áo dài, khẩu trang, bao tay và tất để tránh nắng, bụi bẩn.

Mặc quần áo cotton: Vải cotton sẽ giúp cho làn da "có chỗ để thở", thấm mồ hôi, thoát nhiệt và cảm thấy mát mẻ.

Chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng: Làn da rất cần các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng. Cần bổ sung các loại vitamin, chất xơ. Lưu ý nên hạn chế các chất kích thích, cà phê, các loại thực phẩm có thể gây dị ứng như tôm, cua, mực...

Uống nước đều đặn: Càng uống nhiều nước, cơ thể càng đào thải các độc tố tốt hơn và phục hồi da. Do đó cần bổ sung đầy đủ tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày cho cơ thể.

Không cào gãi, chà xát, cậy nặn: Khi đã bị viêm da tuyệt đối không cào gãi, chà xát hay cậy nặn vì điều đó sẽ làm cho tổn thương bị chầy xước và nghiêm trọng thêm.

- Khi có dấu hiệu mắc các bệnh da liễu, hãy đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp

Theo Lê Nguyên/suckhoedoisong.vn - 5/7/2021

https://suckhoedoisong.vn/6-benh-da-lieu-hay-gap-trong-mua-nang-nong-n196471.html