Cập nhật: 07/07/2021 08:15:00
Xem cỡ chữ

Sự chú ý của thế giới đang tập trung vào việc liệu vaccine Covid-19 có làm giảm sự lây nhiễm và tử vong do dịch bệnh khi đối mặt với các biến thể mới như Delta hay không?

Hiệu quả của vaccine Covid-19 trong thực tế

Đại dịch Covid-19 đang bước vào giai đoạn quan trọng khi biến thể Delta dễ lây truyền đã tấn công nhiều quốc gia, thúc đẩy những đợt bùng phát mới và khiến việc tiêm chủng trở nên cấp thiết hơn. Hiện tại, câu hỏi quan trọng là hiệu quả của vaccine trong thực tế trước những biến thể mới như thế nào?

Ảnh minh họa: Getty Images

Ảnh minh họa: Getty Images

Một số loại vaccine đã đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về hiệu quả bảo vệ hơn 50% và làm giảm số ca nhập viện và mắc bệnh nặng.  

Các nhà khoa học đang theo dõi xem vaccine Covid-19 hoạt động hiệu quả như thế nào trong thực tế, bao gồm cả việc giảm quy mô và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Jerome Kim, Tổng giám đốc của Viện vaccine quốc tế (IVI) ở Seoul, cho biết, điều cần thiết là phải tận dụng tốt nhất các loại vaccine hiện có.

“Chúng tôi đang cố gắng hành động nhanh nhất có thể vì sự lây lan của biến thể Delta là một mối đe dọa thực sự”, ông Jerome nói và cho biết thêm rằng cần phải có những nghiên cứu về vaccine trong thực tế.

Các nghiên cứu về hiệu quả của vaccine trong thực tế có thể tốn rất nhiều nguồn lực, phần lớn đến từ các quốc gia như Mỹ, Anh và Israel, và tập trung vào vaccine Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca.

Việc có rất ít dữ liệu từ các quốc gia sử dụng 2 loại vaccine đã được WHO phê duyệt của các công ty Trung Quốc là Sinovac Biotech và Sinopharm đã đặt ra những câu hỏi lớn.

Các câu hỏi bao gồm khả năng lây nhiễm virus, tử vong, nhập viện của những người đã tiêm chủng như thế nào và liệu khả năng bảo vệ của vaccine có giảm theo thời gian hoặc với các biến thể mới hay không.

“Mỗi quốc gia cần phân tích các con số và xem số ca mắc bệnh, ca tử vong, ca nhập viện có tăng lên không và những trường hợp đó xảy ra ở những người đã tiêm chủng hay chưa tiêm chủng?”, Dale Fisher, Chủ tịch Mạng lưới ứng phó và cảnh báo dịch bệnh toàn cầu của WHO, cho biết.

Theo ông Fisher, những người đã tiêm chủng, bất kể sử dụng loại vaccine nào, vẫn có thể bị nhiễm virus, nhưng điều quan trọng là phải hiểu mức độ nghiêm trọng của những trường hợp lây nhiễm đó.

Israel, quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng, đã sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech. Theo WHO, số ca mắc Covid-19 ở Israel đã đạt đỉnh điểm vào đầu năm nay với hơn 10.000 ca/ngày trước khi giảm xuống vào tháng 6. Hiện nay, do biến thể Delta lây lan nhanh, Israel ghi nhận hơn 300 ca bệnh mỗi ngày, trong đó một số ca đã được tiêm chủng đầy đủ.

Anh, quốc gia ghi nhận hơn 20.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày trong những ngày gần đây, dự kiến ​​sẽ nới lỏng các hạn chế kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 7. Quốc gia này cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ giúp hệ thống y tế không bị quá tải bởi các ca bệnh nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các báo cáo từ những nơi khác đã làm dấy lên lo ngại. Tại Seychelles, giới chức tuần trước đã báo cáo 6 ca tử vong trong số các bác sĩ đã được tiêm chủng, 5 người trong số họ đã tiêm Covishield, vaccine được sản xuất tại Ấn Độ do AstraZeneca phát triển, và 1 người đã tiêm vaccine Sinopharm.

Theo Our World in Data, có sự không chắc chắn xung quanh các đợt bùng phát dịch bệnh ở những nước như Mông Cổ và Seychelles, nơi đã chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 sau khi hơn một nửa dân số được tiêm chủng đầy đủ, chủ yếu là tiêm vaccine Sinopharm. Ngoài ra, số ca tử vong do dịch bệnh cũng tăng ở cả 2 quốc gia dù vẫn ở mức thấp.

Khả năng của vaccine Covid-19

Các chuyên gia cho biết các yếu tố như khả năng miễn dịch tự nhiên của một quốc gia, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, sự xuất hiện của các biến thể dễ lây truyền hơn và hiệu quả của vaccine, đều có khả năng xảy ra nhưng không thể biết rõ nếu không có chi tiết về các “trường hợp đột phá về vaccine”.

Chile đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc bệnh mới dù đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine CoronaVac. Theo Eduardo Undurraga, phó giáo sư tại Đại học Pontificia Católica ở Chile, sự bùng phát này chủ yếu do những người chưa được tiêm chủng.

Vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả 96% chống lại việc nhập viện do biến thể Delta sau khi tiêm đủ 2 liều. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả 96% chống lại việc nhập viện do biến thể Delta sau khi tiêm đủ 2 liều. (Ảnh minh họa: Getty Images)

“Có một sự khác biệt đáng chú ý về tỷ lệ mắc Covid, tỷ lệ chăm sóc tích cực và tỷ lệ tử vong giữa những người đã tiêm chủng đầy đủ và chưa tiêm chủng”, ông Undurraga nói và cho biết thêm rằng có nhiều lý do khác nhau cho sự bùng phát, bao gồm kiệt sức vì đại dịch, thông điệp của chính phủ không nhất quán và dỡ bỏ sớm các biện pháp hạn chế.

Các chuyên gia cho biết, điều quan trọng là liệu vaccine có thể bảo vệ bệnh nhân khỏi bệnh nặng hay không.

“Tất cả các vaccine đã đạt được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện do Covid-19”, WHO cho biết.

Trong số những loại vaccine trong danh sách của WHO, vaccine với công nghệ mRNA có hiệu quả cao nhất trong các thử nghiệm lâm sàng, với vaccine Moderna có hiệu quả 94% và Pfizer/BioNTech là 95%. Mặc dù khó bảo quản và vận chuyển hơn, nhưng chúng có hiệu quả tương tự trong các nghiên cứu thực tế.

Một nghiên cứu của chính phủ Anh vào tháng 6 cho thấy, vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả 96% chống lại việc nhập viện do biến thể Delta sau khi tiêm đủ 2 liều.

AstraZeneca, vaccine công nghệ vecto, có 63% hiệu quả chống lại lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các thử nghiệm lâm sàng, trong khi con số này ở vaccine Johnson & Johnson sử dụng công nghệ tương tự là 67%.

Dữ liệu thực tế gần đây từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho thấy, 2 liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả 92% trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện do biến thể Delta.

Vaccine Sinovac và Sinopharm sử dụng công nghệ truyền thống hơn khi dựa trên virus SARS-CoV-2 đã vô hiệu hóa. Sinopharm đã báo cáo hiệu quả 79% chống lại các ca mắc Covid-19 có triệu chứng trong các thử nghiệm lâm sàng và vaccine Sinovac có hiệu quả 51% trong một thử nghiệm lâm sàng ở Brazil.

Khả năng ngăn ngừa các ca nhập viện đã được báo cáo là trên 90% trong các nghiên cứu của chính phủ vào đầu năm nay đối với vaccine Sinovac ở Indonesia và vaccine Sinopharm ở UAE, nhưng vẫn chưa có dữ liệu rõ ràng về hiệu quả thực tế đối với biến thể Delta.

Shao Yiming, chuyên gia tại CDC Trung Quốc, cho biết, nhiệm vụ hiện tại của vaccine là ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng và tử vong thay vì ngăn ngừa hoàn toàn sự lây nhiễm hoặc giảm khả năng lây lan bệnh của những người nhiễm virus.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, vaccine Covid-19 đã có hiệu quả trong việc giảm lây nhiễm - điều có thể ảnh hưởng đến diễn biến của đại dịch./.

Theo CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) – 6/7/2021

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hieu-qua-thuc-te-cua-vaccine-covid-19-truoc-su-bung-phat-cua-bien-the-moi-871752.vov