Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa từ cuối năm 2020. Đối với Việt Nam, du lịch văn hóa từ lâu đã là dòng sản phẩm du lịch cơ bản. Tuy nhiên, để định vị và nâng tầm được thương hiệu cho du lịch văn hóa, còn nhiều việc phải làm, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch đang chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19.
Hình ảnh mô phỏng chùa Diên Hựu (Chùa Một Cột) bằng công nghệ thực tế ảo.
Tạo ra những sản phẩm du lịch phù hợp
Du lịch văn hóa từ lâu đã là dòng sản phẩm du lịch cơ bản, nhất là đối với Việt Nam - quốc gia có bề dày truyền thống văn hóa cùng hệ thống di sản trải dài trên khắp cả nước. Cũng vì thế, du lịch văn hóa đã và đang trở thành một trong những thế mạnh nổi trội và được khai thác khá tốt tại một số địa phương. Nhiều địa phương đã coi di sản là cốt lõi để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm…
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Phần lớn các địa phương mới chỉ tập trung phát huy thế mạnh từ di sản thiên nhiên, di sản vật thể. Trong khi đó, các di sản phi vật thể nhiều nhưng lại chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. Không ít địa phương vẫn loay hoay trong việc bảo tồn, phát huy di sản trước “sức nóng” của phát triển du lịch. Ngoài ra, việc phát triển du lịch đại trà, manh mún, thiếu tính toán tại một số nơi đã và đang có những tác động tiêu cực tới di sản. Ngân hàng thế giới (WB) từng đưa ra báo cáo, du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển, khiến tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên xuống cấp, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch không còn.
Du lịch Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19. Việc nâng tầm thương hiệu cho du lịch văn hóa là cần thiết và phải được xây dựng kế hoạch từ bây giờ để khi dịch kết thúc, có thể triển khai ngay.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, để khai thác tiềm năng di sản hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, các địa phương cần có kế hoạch, chiến lược dài hạn trong việc quy hoạch lại hệ thống di sản và phải gắn giá trị văn hóa truyền thống với quy hoạch phát triển du lịch.
Cụ thể, các doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp địa phương xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với di sản và văn hóa bản địa; tập trung khai thác các truyền thống văn hóa đặc trưng của địa phương; đưa di sản phi vật thể lồng ghép trong các tour du lịch; tránh tối đa tình trạng khai thác “quá sức”, làm kiệt quệ di sản. Đồng thời, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch cũng cần khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu trải nghiệm cũng như khả năng chi trả của du khách trong tình hình mới để đưa ra những sản phẩm phù hợp.
Đẩy nhanh tốc độ số hóa di sản
Công nghệ số đã và đang được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Lĩnh vực di sản cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí, số hóa di sản còn là “chìa khóa” để nâng tầm thương hiệu cho du lịch văn hóa. Ở nước ta, điển hình cho ứng dụng công nghệ vào di sản có thể kể tới: Công trình số hóa 3D đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội), di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn (Hà Nội). Một số công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) cũng đã được ứng dụng công nghệ 3D như: Lăng Tự Đức, cung An Định, bức tranh Long Vân Khế Hội (chùa Diệu Đế).
Cuối năm 2020, nhóm Sen Heritage cũng đã giới thiệu tới công chúng trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” với những trải nghiệm phong phú, sinh động nhờ sử dụng công nghệ VR3D. Bước vào không gian thực tế ảo, người xem được “đứng trong di sản, bước đi trong di sản, chạm và ngắm di sản” để có những hình dung rõ nét nhất về công trình nổi này từ 8 thế kỷ trước.
Gần đây nhất, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR code (mã vạch hai chiều) trên 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại của du khách thông tin cơ bản về hiện vật đó.
Đây đều là những thử nghiệm mới mẻ, mang đến những trải nghiệm sống động, được du khách đánh giá cao. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đánh giá cao hiệu quả mà công nghệ số mang lại cho công tác bảo tồn di sản, từ đó đẩy mạnh phát triển thương hiệu du lịch văn hóa.
Ngoài ra, bên cạnh những hiệu quả về lưu trữ, chi phí thấp, việc số hóa di sản còn mang lại hiệu quả về tính trực quan, độ tin cậy cao, từ đó hấp dẫn du khách. Thêm vào đó, các di sản ở dạng số hóa sẽ được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ..., thuận tiện cho việc lồng ghép quảng bá các điểm đến du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng...
Đáng tiếc là việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản chưa được nhân rộng, thiếu sự đồng bộ, hầu hết là các giả thiết nghiên cứu, đề tài nghiên cứu. Vì thế, cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ số hóa di sản, xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng cao, từ đó, nâng tầm thương hiệu cho du lịch văn hóa Việt Nam.
Theo MINH ANH/nhandan.vn - Ngày 16/7/2021
https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/nang-tam-thuong-hieu-du-lich-van-hoa-655343/