Cập nhật: 01/08/2021 07:30:00
Xem cỡ chữ

Trước tình hình COVID-19, các doanh nghiệp đề xuất ngành nông nghiệp và các ngành liên quan sớm tháo gỡ các khó khăn bất cập trong quản lý và kiểm soát dịch bệnh.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Các tỉnh, thành phía Nam là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản lớn của cả nước. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lây lan rộng khiến chuỗi cung ứng nuôi trồng-chế biến-tiêu thụ thủy sản đang gặp nhiều khó khăn.

Đây là thông tin được các doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản trong điều kiện dịch COVID-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 31/7.

Khó chồng khó

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, hiện tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nơi tập trung tới 70% sản lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản cả nước; trong đó, cá tra tập trung 100% tại Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng 1,55 triệu tấn, sản lượng tôm trên 780.000 tấn chiếm 85% sản lượng tôm cả nước; các sản phẩm khai thác là 1,74 triệu tấn, chiếm 47% sản lượng thủy sản khai thác toàn quốc.

Cùng với đó, các hoạt động sản xuất thủy sản cơ bản đến nay vẫn đang được duy trì. Ước tính riêng trong quý 3/2021, tổng sản lượng thủy sản của cả vùng đạt khoảng 1,45 triệu tấn; trong, đó nuôi trồng là 1 triệu tấn và khai thác 450.000 tấn.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết, nuôi trồng và khai thác thủy sản của các tỉnh Nam bộ vẫn đáp ứng đủ nguồn cung cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất đang phụ thuộc vào khâu chế biến và tiêu thụ.

Qua khảo sát thực tế, các doanh nghiệp chế biến đang nổ lực duy trì sản xuất để đảm bảo cung ứng sản phẩm cho tiêu thụ nội địa và cả các đơn hàng xuất khẩu nhưng cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn về vấn đề thu hoạch, vận chuyển, duy trì hoạt động chế biến trong điều kiện phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Tấn Đạt, tỉnh chủ yếu phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt như cá tra, cá điêu hồng, ếch; trong đó cá tra có sản lượng lớn mỗi tháng lên tới 40.000-50.000 tấn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hộ liên kết hiện đang gặp khó khăn trong việc thu hoạch vì sản lượng lớn, thời gian thu hoạch kéo dài, trong khi lực lượng thu hoạch phải đảm bảo giãn cách và tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chia sẻ, hiện tỉnh có 2.000 tấn tôm càng xanh đến thời kỳ thu hoạch và số lượng lớn nhuyễn thể chưa tìm được đầu ra.

Đây là những sản phẩm thường được tiêu thụ tại các hệ thống nhà hàng, quán ăn, tuy nhiên do yêu cầu phòng chống dịch các đầu mối này phải đóng cửa, ngưng hoạt động.

Đối với hoạt động chế biến thủy sản cũng đang đối mặt thách thức lớn bởi trước dịch COVID-19, tỉnh có 30 nhà máy sơ chế, hiện nay đã có 18/30 nhà máy chế biến phải ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ”. Số nhà máy còn lại cũng phải cắt giảm hơn 50% số lao động, dẫn đến công suất sơ chế, chế biến thủy sản toàn tỉnh giảm sút đáng kể.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho hay, mỗi ngày Tiền Giang thu hoạch khoảng 200 tấn thủy sản các loại, trong đó nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh chỉ ở mức 67 tấn, còn lại hơn 130 tấn cần vận chuyển đến các địa phương khác, chủ yếu là về Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc thu hoạch, vận chuyển thủy sản liên tỉnh ngày càng khó khăn do nhiều địa phương siết chặt kiểm soát phòng chống dịch.

Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, việc giới hạn thời gian ra đường từ 6 giờ sáng -18 giờ hàng ngày, cộng với thiếu nhân lực khiến việc thu hoạch, sơ chế thủy sản bị chậm, số lượng tôm, cá quá ngày thu hoạch tồn lại trong ao khá nhiều. Trong khi đó, việc vận chuyển cũng khó khăn, mỗi địa phương yêu cầu một kiểu, nhiều tài xế vận chuyển mệt mỏi nên bỏ việc.

Chưa kể, Ủy ban Nhân dân Tiền Giang vừa thông báo sẽ dừng toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp từ ngày 5/8 tới; trong đó có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ khiến nguy cơ ùn ứ thủy sản tại địa phương ngày càng nghiêm trọng hơn.

Gỡ bỏ nút thắt

Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có dấu hiệu tăng nhanh số ca nhiễm tại các vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản trọng điểm. Các doanh nghiệp đề xuất ngành nông nghiệp và các ngành liên quan sớm tháo gỡ các khó khăn bất cập trong quản lý và kiểm soát dịch bệnh.

Đại diện Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) cho biết, dù doanh nghiệp đã nỗ lực để tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” song nguy cơ xuất hiên ca nhiễm COVID-19 vẫn rất cao do phải duy trì đội ngũ vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa thường xuyên.

COVID-19: Thao go kho khan cho chuoi cung ung tieu thu thuy san hinh anh 1

Doanh nghiệp đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lao động. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Do đó, doanh nghiệp đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lao động thường xuyên di chuyển như lái xe, đội nhân công thu hoạch thủy sản của địa phương. Đây cũng là cơ sở để các địa phương khác tạo điều kiện phân luồng xanh cho các xe vận chuyển thủy sản đến nơi tiêu thụ.

Theo đại diện Công ty Cỏ May, phần lớn thủy sản nước ngọt như cá rô phi, cá điêu hồng, lươn, ếch được tiêu thụ tươi sống thông qua các chợ đầu mối lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên hiện các chợ đầu mối này đã đóng cửa khá lâu dẫn đến tình trạng nuôi sản xuất thì ùn ứ trong khi người tiêu dùng thành phố không có sản phẩm để mua.

Vì vậy, trong lúc chờ các chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại, cần xem xét tổ chức các điểm tập kết, trung chuyển thủy sản giữa các tỉnh với Thành phố Hồ Chí Minh để việc lưu thông hàng hóa được thông suốt mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Cùng quan điểm này, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn nhấn mạnh, mặc dù những khó khăn, bất cập trong vận chuyển đường bộ đã từng bước được tháo gỡ, song vận chuyển, lưu thông đường thủy chưa được chú trọng. Trong khi đó, việc thu hoạch, vận chuyển thủy sản giữa các vùng nuôi với nhà máy chế biến bằng phương tiện đường thủy đang rất phổ biến.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, cơ quan chức năng cần có sự trao đổi, thống nhất về việc kiểm soát dịch tại các chốt ở các địa phương trong vùng, tránh tình trạng có nơi cho phép tài xế có giấy test nhanh COVID-19 âm tính di chuyển, có nơi yêu cầu phải có xét nghiệm PCR.

Thêm vào đó, Bộ Y tế cần có hướng dẫn kiểm soát dịch bệnh đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine theo hướng tạo thuận hơn như có thể kéo dài thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19 so với người chưa tiêm vaccine.

Về phía các địa phương, bà Trương Thị Lệ Khanh kiến nghị, cần xem xét, tính toán kỹ trước khi ban hành các chính sách siết chặt hoạt động doanh nghiệp bởi việc dừng hoạt động sẽ gây thiệt hại rất lớn cho toàn bộ chuỗi. Khi dừng nhà máy chế biến thủy sản, doanh nghiệp vẫn phải duy trì hệ thống điện để bảo quản nguyên liệu, chi phí phát sinh tăng cao, chậm trễ đơn hàng, người lao động mất việc nhưng vẫn không thể về quê.

Ngược lại, các vùng nguyên liệu không có đầu ra khiến giá bán giảm, người nuôi thiệt hại kinh tế, đảo lộn các vụ thả giống tiếp theo, về lâu dài ảnh hưởng đến việc ổn định sản lượng nguyên liệu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, các doanh nghiệp ngành thủy sản đang nỗ lực hết sức để duy trì sản xuất “3 tại chỗ”; trong đó nhiều doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra chi phí lớn chỉ để đảm bảo đúng tiến độ các đơn hàng xuất khẩu.

Vì vậy, Sở Nông nghiệp các tỉnh, thành cần sâu sát, thường xuyên nắm bắt những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện song song hai mục tiêu kiểm soát dịch COVID-19 và duy trì sản xuất, động viên doanh nghiệp cho doanh nghiệp hoạt động, đảm bảo vận hành chuỗi thủy sản liên tục.

Theo thứ trưởng Trần Thanh Nam, vấn đề lưu thông hàng hóa đã được Bộ Giao thông Vận tải tháo gỡ  bằng văn bản 7820/BGTVT-VT về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và phòng, chống dịch COVID-19 ban hành ngày 30/7.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành chủ động phối hợp để cấp bộ nhận diện, giấy giới thiệu cho phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Về phía Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ các đơn vị cung ứng thủy sản với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ để giải quyết đầu ra cho lượng thủy sản tươi sống của các địa phương.

Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thường xuyên ghi nhận những khó khăn về chi phí duy trì sản xuất của doanh nghiệp và sớm đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ giá điện, giảm lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp./.  

Theo Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 1/8/2021

https://www.vietnamplus.vn/covid19-thao-go-kho-khan-cho-chuoi-cung-ung-tieu-thu-thuy-san/730613.vnp