Ở độ tuổi ngoài 60, một điều đơn giản có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người cao tuổi - chẳng hạn như vấp phải tấm thảm hoặc trượt chân trên sàn ướt gây té ngã. Ngoài chấn thương cơ thể việc té ngã có thể ảnh hưởng tâm lý người cao tuổi.
Té ngã là một tai nạn khá thường gặp ở người cao tuổi, nhất là ở độ tuổi trên 60. Cứ 3 người từ 65 tuổi trở lên thì có 1 người té ngã mỗi năm. Nguy cơ bị ngã và các vấn đề liên quan đến té ngã tăng lên theo tuổi tác.
Người cao tuổi bị té ngã rất dễ dẫn đến gãy xương, nó cũng có thể là khởi đầu của những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như phải đến bệnh viện, chấn thương hoặc thậm chí là tàn tật. Hệ quả thường là người cao tuổi sau té ngã cần được chăm sóc thường xuyên làm họ mất tính độc lập, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro dẫn đến té ngã
Có nhiều nguyên nhân gây té ngã ở người cao tuổi.
Cùng với quá trình lão hóa, thị lực, thính giác và phản xạ của người cao tuổi không còn nhạy bén như khi còn trẻ.
Khi lớn tuổi, khả năng giữ thăng bằng của cơ thể giảm. Người cao tuổi có thể bị choáng váng, chóng mặt và mất thăng bằng dẫn đến té ngã. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch hoặc các vấn đề về tuyến giáp, dây thần kinh, bàn chân hoặc mạch máu có thể ảnh hưởng đến sự thăng bằng.
Thuốc có thể làm tăng nguy cơ té ngã vì chúng gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt hoặc lú lẫn. Một số loại thuốc điều trị bệnh thường gặp có thể khiến người cao tuổi cảm thấy chóng mặt hoặc buồn ngủ, khiến họ dễ bị ngã. Thậm chí càng uống nhiều thuốc trị bệnh, người cao tuổi càng có nhiều khả năng bị ngã.
Các nguyên nhân khác bao gồm các nguy cơ về an toàn trong gia đình hoặc môi trường cộng đồng như: điều kiện sống không an toàn như: nhà chật chội, nền trơn, thiếu ánh sáng, khu vực thiếu thông thoáng, trẻ em đông, nuôi súc vật nhiều, lẫn lộn trí nhớ...
Các nhà khoa học đã liên kết một số yếu tố nguy cơ cá nhân với việc té ngã, bao gồm yếu cơ, các vấn đề về thăng bằng và dáng đi, và huyết áp giảm quá nhiều khi người cao tuổi đứng dậy từ tư thế nằm hoặc ngồi (được gọi là hạ huyết áp tư thế). Các vấn đề về chân gây đau và đi giày dép không an toàn cũng có thể làm tăng nguy cơ té ngã.
Khả năng thăng bằng kém khiến người cao tuổi dễ bị ngã.
Thực hiện các bước đúng để ngăn ngừa té ngã
Người cao tuổi cần chăm sóc sức khỏe tổng thể của mình, có thể giảm khả năng bị ngã. Hầu hết các tai nạn và các tác nhân gây té ngã đều có thể được phòng ngừa. Dưới đây là một số mẹo giúp người cao tuổi tránh bị ngã và gãy xương:
Người cao tuổi nên duy trì hoạt động thể chất
Duy trì một chương trình rèn luyện sức khỏe phù hợp. Tập thể dục thường xuyên cải thiện sức khoẻ, cơ bắp, giúp giữ cho khớp, gân và dây chằng giữ được sự linh hoạt, dẻo dai.
Các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như đi bộ hoặc leo cầu thang có thể làm chậm quá trình mất xương do loãng xương.
Kiểm tra thị lực và thính lực
Ngay cả những thay đổi nhỏ về thị giác và thính giác cũng có thể khiến người cao tuổi bị ngã bất cứ lúc nào. Khi bạn có kính đeo mắt hoặc kính áp tròng mới, hãy dành thời gian để làm quen với chúng. Luôn đeo kính hoặc kính áp tròng khi bạn cần. Nếu dùng máy trợ thính, hãy chắc chắn rằng nó vừa vặn và đeo nó thường xuyên.
Tìm hiểu về tác dụng phụ của các loại thuốc đang dùng
Khi uống một loại thuốc nào, hãy theo dõi những thay đổi của cơ thể bạn. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ, chóng mặt hoặc nhìn mờ, hãy báo với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn.
Người cao tuổi cần chú ý các tác dụng phụ của những loại thuốc mình uống. Ảnh: ST
Ngủ đủ giấc
Bạn nên cố gắng thời gian ngủ đủ giấc mỗi ngày. Tranh thủ thời gian ngủ trưa để cơ thể được nghỉ ngơi. Nếu bạn buồn ngủ, bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị té ngã hơn.
Hạn chế uống rượu
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Tránh xa rượu bia và các chất kích thích. Ngay cả một lượng rượu nhỏ cũng ảnh hưởng tới sự cân bằng và phản xạ của bạn. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ té ngã gây gãy xương hông ở người lớn tuổi tăng lên khi uống rượu.
Tránh động tác đột ngột
Đứng dậy quá nhanh có thể khiến huyết áp của bạn giảm xuống. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy chao đảo và dễ té ngã. Nên kiểm tra huyết áp khi nằm và đứng. Ngồi dậy hoặc đứng lên từ từ, tránh động tác đột ngột.
Sử dụng công cụ hỗ trợ
Sử dụng gậy và khung tập đi thích hợp có thể ngăn ngừa ngã. Nếu bác sĩ yêu cầu bạn sử dụng gậy hoặc khung tập đi, hãy đảm bảo rằng nó có kích thước phù hợp với bạn và bánh xe lăn trơn tru. Điều này rất quan trọng khi bạn đang đi bộ ở những khu vực bạn không biết rõ hoặc những nơi đường đi bộ không bằng phẳng.
Cẩn thận với những bề mặt trơn và ẩm ướt
Con cái cần chuẩn bị môi trường sống an toàn cho bố mẹ. Trong nhà tắm cần lắp thanh vịn và trải thảm nếu sàn trơn trượt. Rải cát hoặc sỏi ở những khuôn viên xung quanh nhà.
Không đi trên cầu thang hoặc sàn nhà với tất hoặc đi giày và dép có đế trơn.
Luôn cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng bị ngã, ngay cả khi bạn không bị chấn thương khi ngã. Cú ngã có thể cảnh báo bác sĩ về một vấn đề y tế với thuốc hoặc thị lực của bạn đã cần điều chỉnh. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị vật lý trị liệu, hỗ trợ đi bộ hoặc các bước khác để giúp ngăn ngừa té ngã trong tương lai.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 21/8/2021
https://suckhoedoisong.vn/loai-tru-nhung-rui-ro-gay-te-nga-o-nguoi-cao-tuoi-169210806230739263.htm