Những cuốn sách "Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập", "2/9/1945 qua những trang hồi ức", "Bản tuyên ngôn độc lập thời đại Hồ Chí Minh",...đã tái hiện sống động, thiêng liêng sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập" tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của bản "Tuyên ngôn Độc lập" năm 1945 khẳng định đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, nhân dân ta từ thân phận nô lệ, xứng đáng được hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc và làm chủ vận mệnh của mình.
Kể từ thời khắc thiêng liêng ấy đến nay đã 76 năm nhưng niềm tự hào, cảm xúc về ngày Độc lập luôn vẹn nguyên trong tâm trí của biết bao thế hệ người Việt Nam. Trong không khí kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021), chúng tôi xin giới thiệu những cuốn sách giúp người đọc hiểu sâu sắc thêm về thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc.
“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”
Cuốn sách "Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập" của tác giả Kiều Mai Sơn dựng lại thời điểm lịch sử ngắn nhưng rất quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám 1945, thời điểm Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Tác giả Kiều Mai Sơn đã dày công thu thập, tìm hiểu, phân loại và đối chiếu các nguồn tài liệu để có thể có được những tư liệu chi tiết, cụ thể, xác tín về bản "Tuyên ngôn Độc lập" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và hoàn thiện. Đó là tư liệu của những người được sống, làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại hay kể lại như hồi kí Vũ Đình Hòe, hồi kí Trần Huy Liệu, hồi kí Võ Nguyên Giáp, hồi kí Lê Thanh Nghị…
Với “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, tác giả đã đặt văn bản Tuyên ngôn Độc lập vào trong tư duy nhất quán của Bác Hồ trong suốt quá trình đi tìm đường cứu nước. Đó là quá trình thống nhất và bền bỉ từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919) gồm 8 điểm và, Bản án chế độ thực dân Pháp(1925). Tiến sĩ Tonnesson, nhà sử học Na Uy, khi nghiên cứu về lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945 của Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Tuyên ngôn Độc lập ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 của Việt Nam nằm trong nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn, ra đời sau Chiến tranh Thế giới thứ hai: Đó là quá trình giành độc lập dân tộc trên phạm vi toàn cầu”.
Cũng qua các tài liệu mà tác giả tìm thấy, chúng ta được biết, Bác Hồ đã tìm đọc nguyên bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ khi còn ở chiến khu Việt Bắc. Sau khi soạn thảo Người cho đọc và tham khảo ý kiến của các thành viên Chính phủ lâm thời là những trí thức uy tín trước khi hoàn thiện. Đó là minh chứng rõ ràng cho tác phong làm việc khoa học của Người, cũng như thái độ cầu thị, trọng thị trí thức của Người.
“Qua hồi tưởng của Tổng Bí thư Trường Chinh và hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Khi bản Tuyên ngôn lịch sử được thảo xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho đọc để thông qua tập thể và đó là những giờ phút nhiều cảm xúc nhất của Người”.
“Tuyên ngôn Độc lập từ sản phẩm trí tuệ của một cá nhân đứng đầu Chính phủ đã trở thành tiếng nói đại diện cho toàn thể đất nước Việt Nam tuyên bố với toàn thể thế giới về nền Độc lập bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam”.
Đọc “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, thế hệ ngày nay có được một bức tranh sống động và cụ thể về Ngày Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình 76 năm về trước. "Tuyên ngôn Độc lập" sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc gia đồng bào đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp… để công bố với toàn thế giới về việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
“Ông Vũ Kỳ, thư kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ lại: “Chỉ mới cách đó hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, thoáng thấy mầu cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng lên như thú dữ. Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới bay khắp phố phường. Đêm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu một kỉ nguyên mới cho dân tộc: Kỉ nguyên Độc lập, Tự do. Thật là kì diệu. Cách mạng là một sự kì diệu. Và chính Người, từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, đã cùng với toàn dân làm nên điều kì diệu đó”.
“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” là cuốn sách ý nghĩa góp phần tìm hiểu văn bản chính luận Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp người đọc hiểu sâu sắc thêm về một thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam.
2/9/1945 qua những trang hồi ức
“2/9/1945 qua những trang hồi ức” cuốn sách là tập hợp 13 câu chuyện của 13 tác giả là các cán bộ cách mạng lão thành, trong đó nhiều người đã trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa. Họ là những nhà văn, nhà thơ được chứng kiến hoặc được nghe kể lại về sự kiện trên, với những trang viết chân thực, sinh động đưa bạn đọc đến cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử này.
Cuốn sách là những trang hồi ức, tưởng nhớ lại những ngày đầu tháng tám đến Cuộc Tổng khởi nghĩa, và cuối cùng là ở tại quảng trường Ba Đình lịch sử, khi Bác Hồ đọc"Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với những trang viết chân thực, sinh động, cuốn sách sẽ cho ta có được cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn Độc lập
"Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn Độc lập" do hai tác giả Vũ Kim Yến và Nguyễn Văn Dương sưu tầm và biên soạn. Tác phẩm nằm trong tủ sách Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2017, sách dày 220 trang.
Sách gồm 3 chương: Chương 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập, Chương 2: Những câu chuyện kể, những hồi ức về sự kiện chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập, Chương 3: Tuyên ngôn độc lập năm 1945 ý nghĩa, giá trị và sự trường tồn.
Cuốn sách không chỉ tái hiện quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản "Tuyên ngôn Độc lập", những câu chuyện kể, những hồi ức về các sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn cung cấp những bài viết, bài nghiên cứu có giá trị về ý nghĩa lịch sử và sức sống trường tồn của bản Tuyên ngôn độc lập.
Bản Tuyên ngôn Độc lập thời đại Hồ Chí Minh
"Bản Tuyên ngôn Độc lập thời đại Hồ Chí Minh" là cuốn sách có bố cục 9 phần, tập trung trình bày ba nội dung chính. Nội dung thứ nhất: Khái quát về ý nghĩa của cách mạng tháng 8/1945 và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Nội dung thứ hai giới thiệu những bức ảnh lịch sử tiêu biểu về ngày tuyên bố độc lập; trình bày toàn văn bản "Tuyên ngôn Độc lập" ngày 2/9/1945. Nội dung thứ ba là một số bài viết, thư gửi và bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày tuyên bố độc lập đến ngày kêu gọi toàn quốc kháng chiến; những bài diễn văn, bài viết của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Tác phẩm được biên soạn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc cho thế hệ sau; khẳng định những thành tựu của Đảng và Nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.../.
Theo Lê Anh/VOV.VN - 1/9/2021
https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/thoi-khac-lich-su-ngay-291945-song-dong-qua-nhung-trang-sach-887035.vov