Trong cuộc họp đầu tiên tại Liên Hợp Quốc tuần này, Tổng thống Biden sẽ đối mặt với thách thức lớn, đó là thuyết phục các đồng minh rằng, hướng tiếp cận của ông hoàn toàn khác với “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Trump.
Không phải là “Trump 2.0”
Đối với những nhà lãnh đạo thế giới từng bối rối bởi phong cách ngoại giao của cựu Tổng thống Trump, Tổng thống Biden đại diện cho hy vọng về một kỷ nguyên khác trong quan hệ quốc tế của Mỹ. Tổng thống Biden đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên hồi tháng 6/2021 để tuyên bố với châu Âu rằng "Nước Mỹ đã trở lại".
Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định thông điệp này trong lần xuất hiện đầu tiên ở New York khi ông gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.
"Mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và Liên Hợp Quốc dựa trên những giá trị và nguyên tắc chung. Tại thời điểm này, mối quan hệ đó quan trọng hơn bao giờ hết. Nước Mỹ đã trở lại và chúng tôi tin vào Liên Hợp Quốc cũng như những giá trị của tổ chức này", Tổng thống Biden nói.
Tuần này, ông Biden sẽ đứng trước sức ép từ các đồng minh, những người đang cảm thấy thất vọng khi chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống không thể thoát khỏi hoàn toàn chính sách "Nước Mỹ trên hết" mà cựu Tổng thống Trump từng tuyên bố trong những bài phát biểu thường niên tại Liên Hợp Quốc. Những đồng minh cũng phàn nàn về việc họ bị cho ra rìa trước những quyết định quan trọng của Mỹ. Thậm chí, với sự thể hiện ngày càng công khai, các quan chức nước ngoài bắt đầu so sánh Tổng thống Biden với cựu Tổng thống Trump.
Trong bài phát biểu đầu tiên với vai trò là Tổng thống Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Biden sẽ nỗ lực làm dịu những lo ngại này, đồng thời khẳng định về hướng tiếp cận tập thể nhằm giải quyết những vấn đề thế giới như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Ông cũng sẽ nói về sự điều chỉnh các ưu tiên khi dịch chuyển khỏi những cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ để hướng đến các mối đe dọa đang nổi lên hiện nay.
Tổng thống Biden dự kiến sẽ đưa ra lập trường về việc "tập hợp các đồng minh và đối tác cùng với các tổ chức nhằm đối phó với những thách thức lớn của thời đại chúng ta", một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho hay. Giống như mọi khía cạnh trong chính sách đối ngoại của ông, Trung Quốc sẽ là chủ đề bao trùm và Tổng thống Biden sẽ cảnh báo về việc thế giới cần tránh rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới với sự phân chia về các khu vực ảnh hưởng.
Trước đó, trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 20/9, Thư ký báo chí Jen Psaki cho biết: "Quan điểm của Tổng thống và của chính quyền hiện nay là mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc không phải là xung đột mà là cạnh tranh". Bà cũng khẳng định bài phát biểu của ông Biden ở Liên Hợp Quốc sẽ "làm rõ" việc "Tổng thống không theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh mới với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới".
"Chúng tôi sẽ theo đuổi các lợi ích của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các ưu tiên toàn cầu", bà Jen Psaki bình luận.
Dù vậy, sự thận trọng ngày càng gia tăng của các đồng minh với Tổng thống Biden và các quan chức trong chính quyền của ông vẫn chưa chấm dứt.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng cho biết: "Tổng thống tin rằng, các mối quan hệ của Mỹ đang duy trì trong nhiều thập kỷ qua và từng bước đi mà Tổng thống đưa ra kể từ khi ông ấy nhậm chức đều nhằm mục đích tái xây dựng các liên minh và các quan hệ đối tác bị lung lay trong 4 năm qua".
Bà Psaki nhấn mạnh, điều đó không có nghĩa là các quốc gia lúc nào cũng nhất trí với nhau nhưng về dài hạn, các mối quan hệ toàn cầu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn qua cách tiếp cận của Tổng thống Biden.
Thông điệp của Biden
Sự xuất hiện thường niên ở Liên Hợp Quốc là một trong những cơ hội quý giá với bất kỳ nhà lãnh đạo nào nhằm tuyên bố về chính sách đối ngoại của mình mặc dù cuộc họp năm nay đã thu hẹp về quy mô do đại dịch Covid-19. Các quan chức coi bài phát biểu của Tổng thống Biden và các sự kiện bên lề khác, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh về Covid-19 ngày 22/9 và cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương ngày 24/9 là thời điểm vô cùng quan trọng cho Tổng thống Biden để thúc đẩy tầm nhìn về chính sách đối ngoại cũng như vạch ra những gì mà ông cho là ưu tiên của thế giới.
Tổng thống Biden đến New York dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc giữa bối cảnh ông đang gặp phải những bước lùi trong nỗ lực khôi phục sự lãnh đạo của nước Mỹ. Pháp đang giận dữ về việc thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ và Australia khiến nước này vuột mất hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD trước đó với Australia, trong khi các quan chức Pháp - đồng minh lâu đời nhất của Mỹ cho biết, thỏa thuận này khiến họ hoàn toàn bất ngờ. Tổng thống Biden sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để hạ nhiệt căng thẳng.
Ngoài ra, những điều không chắc chắn xoay quanh chương trình nghị sự trong nước của Tổng thống Biden cũng gây ra sự chia rẽ cho nỗ lực xây dựng một sáng kiến toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu của ông. Đảng Dân chủ vẫn chưa thống nhất về dự luật ngân sách khổng lồ đối với kế hoạch cắt giảm khí thải carbon của Tổng thống Biden.
Ngoài ra, quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ khi chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan, dẫn đến một cuộc sơ tán hỗn loạn, đã gây ra những làn sóng tị nạn vào châu Âu và Mỹ, cũng như khiến một số đồng minh không hài lòng về quá trình này. Những khẳng định của Tổng thống Biden nhằm tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố cũng bị phủ bóng bởi tiết lộ hồi tuần trước rằng, cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ trong những ngày cuối cùng ở Afghanistan đã khiến 10 dân thường thiệt mạng thay vì các mục tiêu của IS-K.
Dù vậy, Tổng thống Biden sẽ không né tránh việc đề cập đến quyết định chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ trong bài phát biểu của mình, các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho hay. Thay vào đó, ông sẽ đặt vấn đề này ở vị trí trung tâm nhằm truyền tải thông điệp rằng, thế giới cần bước vào một kỷ nguyên mới hợp tác hơn nhằm đương đầu với những thách thức hiện nay.
Vượt ra ngoài những liên minh truyền thống
Với những nỗ lực nhằm hàn gắn rạn nứt với các đồng minh nước ngoài, Nhà Trắng cho biết, các cuộc gặp Thượng đỉnh trong tuần này của Tổng thống Biden, từ Covid-19 cho tới biến đổi khí hậu và quan hệ đối tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, là minh chứng cho thấy hướng tiếp cận đa phương của ông - điều hoàn toàn trái ngược với hướng tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm.
Trong một thông báo ngày 20/9, Mỹ cho biết sẽ chấm dứt hạn chế đi lại với tất cả những người nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ, dỡ bỏ lệnh cấm đi lại từng khiến châu Âu giận dữ.
Tổng thống Biden cũng có kế hoạch dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về Covid-19 ngày 22/9 nhằm kêu gọi lãnh đạo các nước phát triển thúc đẩy cam kết chia sẻ vaccine và tăng cường nguồn cung oxy trên toàn cầu. Ông cũng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên với các nước thuộc nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để thảo luận về đại dịch Covid-19 và an ninh ở châu Á.
Hội nghị Thượng đỉnh này sẽ nhấn mạnh đến mục tiêu bao quát của Tổng thống Biden và sự dịch chuyển trọng tâm khỏi những khu vực như Afghanistan để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, quyết định của Tổng thống Biden khi hợp tới với Anh và Australia về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân là dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng vượt ra ngoài những liên minh truyền thống, chẳng hạn như với Pháp, để đối phó với những thách thức an ninh hiệu quả hơn tại châu Á./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch CNN) - 21/9/2021
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thach-thuc-cua-biden-o-lien-hop-quoc-thuyet-phuc-dong-minh-ong-khong-phai-la-trump-20-892247.vov