Cập nhật: 24/09/2021 08:15:00
Xem cỡ chữ

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn phải “đóng băng”, tuy nhiên âm nhạc vẫn không ngừng cất lên cổ vũ tinh thần chống dịch. Gần hai năm qua, âm nhạc đã thật sự trở thành “sức mạnh mềm” góp phần gắn kết, đưa mọi người xích lại gần nhau, cùng đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Ca sĩ Bùi Trang thể hiện ca khúc “Mẹ ơi con sẽ về” (nhạc: Đỗ Hồng Quân, thơ: Nguyễn Hồng Vinh) trong chương trình “Tiếng hát át Covid”.

Trong những năm tháng kháng chiến, chúng ta được chứng kiến sự ra đời thần tốc của những ca khúc cách mạng - những bài hát đi cùng năm tháng gửi gắm sức mạnh tinh thần, niềm tự hào dân tộc; giờ đây, giữa thời bình, trong cuộc chiến cam go “chống dịch như chống giặc”, chúng ta lại tiếp tục ghi nhận sức mạnh ấy ở những thời khắc cam go trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Tháng 4/2020, sau đợt vận động đầu tiên về sáng tác ca khúc chống dịch, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được hơn 200 tác phẩm, từ đây, lựa chọn xuất bản thành tuyển tập “Niềm tin” với 100 ca khúc chất lượng nhất, đồng thời xây dựng chương trình nghệ thuật online “Niềm tin - chúng ta là người chiến thắng” thu hút sự theo dõi, ủng hộ của đông đảo công chúng.

 Khi làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía nam, cuối tháng 7/2021, Hội lại tiếp tục phát động đợt sáng tác thứ hai. Chỉ sau hơn một tuần, hơn 400 ca khúc về đề tài chống dịch của các nhạc sĩ chuyên và không chuyên trên khắp cả nước đã được gửi về.

Trên cơ sở này, Hội chọn lựa gần 20 ca khúc xuất sắc để thu âm, ghi hình, gửi tới lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân cả nước vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, đúng dịp Kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam trong chương trình “Tiếng hát át Covid”. Những bài hát như “Niềm tin” (nhạc sĩ Xuân Thủy) dành tặng người dân ở khu cách ly; “Thiên thần áo trắng” (nhạc sĩ Đức Tân) tri ân sự cống hiến quên mình của các y sĩ, bác sĩ; hay “Mẹ ơi con sẽ về” (nhạc Đỗ Hồng Quân, thơ Nguyễn Hồng Vinh) khắc họa nỗi lòng nữ bác sĩ trẻ từ biệt mẹ đi vào tâm dịch với quyết tâm chiến thắng... đã thật sự làm lay động những người nghe nhạc.

Vừa qua, Trung tâm Văn hóa thành phố (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã giới thiệu đến công chúng tám ca khúc tiêu biểu nhất được lựa chọn từ Cuộc vận động sáng tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có: “Chung tay Việt Nam” (Kelvin Chính), “Người chiến sĩ ngành y” (Lê Nhị Hà), “Lời ru tuyến đầu” (nhạc: Huyền Ngọc, lời: dựa ý thơ Bá Môn), “Tan biến đi vi-rút Corona” (Trần Hùng)... Chuỗi chương trình nghệ thuật trực tuyến “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cũng dành thời lượng để giới thiệu những sáng tác mới đặc sắc về đề tài chống dịch như: “Chiến binh nhỏ” (Đỗ An), “Ở nhà” (Vicky Nhung)...

Hàng loạt ca khúc mới được các nghệ sĩ trẻ sáng tác bằng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại đã nhận được sự yêu thích của đông đảo công chúng trẻ, như: “Vũ điệu 5K” (Bùi Công Nam); “Chỉ là hơi mệt chút thôi” (Đinh Quang Minh); “Sống như tia nắng mặt trời” (Đình Bảo)… Đặc biệt, bên cạnh những sáng tác dành cho người lớn, đáng ghi nhận còn có những ca khúc hướng đến lứa tuổi thiếu nhi như “Trường em thành bệnh viện” (Sa Huỳnh), “Lời cám ơn của con” (Lưu Hà An), “Cố lên, cố lên” (Dương Khắc Linh)...

Trong số những sáng tác nêu trên, có ca khúc được tác giả ấp ủ thực hiện nhiều ngày, cũng có ca khúc ra đời ngẫu hứng; có trường hợp là sản phẩm của nhạc sĩ chuyên nghiệp, cũng có nhiều bài của tác giả tay ngang. Song tất cả đã góp phần làm nên cuốn nhật ký âm nhạc ghi lại sự cống hiến cao cả của những chiến sĩ áo trắng, sự hy sinh đầy trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu, và sự lung linh, đẹp đẽ của tình người trong gian khó. Bối cảnh đại dịch khiến điều kiện dàn dựng, thu âm, ghi hình gặp nhiều khó khăn, hầu hết các ca khúc đều được thể hiện giản đơn, không cầu kỳ về hình thức, cũng không sử dụng những kỹ thuật âm thanh hiện đại. Tuy vậy, những sáng tác âm nhạc thời gian qua dường như dễ chạm đến trái tim người nghe hơn, dễ tạo ra sự rung động, đồng cảm hơn.

Có lẽ bởi tất cả đều đã được thai nghén, thành hình từ chính trách nhiệm xã hội và rung cảm sâu sắc trước hiện thực cuộc sống của người sáng tác. Những ca khúc vì thế không đơn thuần chỉ góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức chống dịch mà còn truyền cảm hứng, mang đến nguồn năng lượng tích cực và niềm tin chiến thắng. Nói như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Ở thời nào cũng vậy, âm nhạc với sức mạnh lan tỏa nhanh nhạy và sâu rộng vẫn luôn sát cánh, đồng hành cùng dân tộc trên mỗi chặng đường bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước”. Và văn nghệ sĩ chính là những chiến sĩ góp phần xây dựng nên “vùng xanh tinh thần” trong cuộc chiến chống đại dịch...

Theo Bài và ảnh: TRANG ANH - 24/9/2021

https://nhandan.vn/vanhoa/suc-manh-cua-am-nhac-trong-cuoc-chien-chong-dai-dich-666440/