Người bệnh nằm lâu ngày sẽ có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, tâm lý khác nhau bên cạnh các vấn đề do bệnh lý gây ra.
Bệnh nhân nằm lâu như các trường hợp người cao tuổi nằm liệt, tai nạn, sau phẫu thuật… Những người bệnh này khả năng vận động kém hoặc không thể tự vận động.
Nếu bệnh nhân nằm lâu nhưng không được chăm sóc, theo dõi đúng cách và toàn diện có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thương tật thứ cấp phát sinh.
Nhiều vấn đề bệnh tật phải đối mặt
Ths.BS Trịnh Thị Bích Hà, Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, các thương tật thứ cấp phát sinh điển hình mà người bệnh nằm lâu ngày có thể sẽ phải đối mặt bao gồm:
Tổn thương tỳ đè (hay thường gọi là loét tỳ đè): được xác định bởi các biến đổi ở da và mô dưới da do tỳ đè lên các lồi xương gây ra. Nếu không được chú ý các lực này sẽ gây loét.
Ths.BS Trịnh Thị Bích Hà, Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
+Teo cơ:
thường gặp ở những người bị gãy xương phải bó bột để bất động, sau khi tháo bột sẽ có hiện tượng cơ teo nhỏ và yếu. Bất động càng kéo dài thì cơ teo càng rõ.
+ Co cứng cơ:
Do tổn thương thần kinh trung ương hoặc bệnh lý của thần kinh trung ương; do hạn chế vận động các khớp có liên quan; do sẹo lớn ở phần mềm; đau thần kinh tọa làm co cứng khối cơ lưng.
Co cứng các cơ đai vai và cánh tay trong bệnh viêm quanh khớp vai; hoặc người bệnh giữ lâu ở tư thế giảm đau, bệnh suy yếu... đã cản trở sự phục hồi vận động, làm tăng nguy cơ cứng khớp.
+ Cứng khớp:
Thường gặp trong những trường hợp chấn thương khớp, gãy xương cạnh khớp, nhiễm trùng khớp, lao khớp, bệnh gút, viêm khớp dạng thấp, bó bột, liệt chi do tổn thương thần kinh.
Khi khớp bị bất động kéo dài, tổ chức phần mềm quanh khớp bị co cứng, sụn khớp bị thoái hóa mỏng đi khiến khe khớp hẹp lại, xuất hiện các dải xơ dính hai mặt khớp làm mất chức năng khớp.
Mặc dù có thể khớp gối không bị tổn thương, nhưng nếu bất động do bó bột trên 3 tháng thì sẽ bị cứng khớp.
Nếu bệnh nhân nằm lâu có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thương tật thứ cấp phát sinh.
+ Đau khớp vai:
Hay gặp ở những bệnh nhân liệt nửa người. Đau khớp thường âm ỉ, đau tăng khi vận động, nhất là tư thế xoay khớp vai vào trong và ra sau (động tác gãi lưng). Vì đau khớp vai nên người bệnh càng hạn chế vận động, càng đẩy nhanh tới quá trình teo cơ đai vai, cơ delta, cơ cánh tay.
Huyết khối tĩnh mạch: Do tư thế bất động và thiếu vận động chi dưới, có thể dẫn đến thuyên tắc phổi
+ Rối loạn cơ vòng:
Táo bón hay tiêu và tiểu không tự chủ do bệnh nhân khó khăn trong việc vào nhà vệ sinh hay không thể dùng bô khi cần thiết trong thời gian dài
+ Viêm đường tiết niệu và sỏi đường tiết niệu:
Thường gặp ở những người bị liệt cứng lâu ngày. Tình trạng này ngày càng nặng thêm gây viêm bể thận ngược dòng dẫn đến suy thận, nhiễm trùng huyết.
+ Viêm phổi và xẹp phổi do ứ đọng:
Thường gặp ở người cao tuổi, bệnh nhân rối loạn ý thức, hôn mê, người phải đặt nội khí quản. Biến chứng này đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.
+ Loãng xương:
Theo Donaldson (1970), Nằm nghỉ trên giường sẽ mất 1.54 gam canxi/tuần; Mất khoảng 24 – 40% khối lượng xương sau 36 tuần nằm nghỉ trên giường
Ảnh hưởng tinh thần
Bên cạnh những ảnh hưởng đến thể chất, tăng nguy cơ bệnh tật ở bệnh nhân, việc nằm lâu ngày còn gây nên những tác động tâm lý do bệnh nhân ít hoạt động, bị cô lập, tách biệt khỏi môi trường quen thuộc.
Nhiều trường hợp bệnh nhân có tâm lý tự ti mặc cảm vì mình làm phiền con cháu, tự cho mình là gánh nặng trong chăm sóc, kinh tế của người thân.
Do đó bên cạnh các biện pháp chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn từ bác sĩ, nhân viên y tế sự quan tâm, chăm sóc, động viên từ người thân, gia đình cũng có vai trò tích cực trong việc hỗ trợ người bệnh nhanh chóng phục hồi.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 29/9/2021
https://suckhoedoisong.vn/ky-1-nhung-nguy-co-nguoi-benh-nam-lau-mot-cho-phai-doi-mat-169210929101945988.htm