Một số đạo diễn cho rằng, trong Luật Điện ảnh nên có thêm mức phân loại độ tuổi cao hơn thay vì mức “trần” C18 (phim chỉ phù hợp với khán giả trên 18 tuổi) như hiện nay, để một số bộ phim không bị cấm chiếu hoàn toàn mà có thể được phổ biến trong phạm vi hẹp.
Có cần thêm mức phân loại độ tuổi cao hơn?
Xung quanh bộ phim “Vị” của đạo diễn Lê Bảo bị cấm chiếu ở Việt Nam, dư luận chia ra 2 luồng ý kiến.
Một là ủng hộ quyết định của Cục Điện ảnh vì tác phẩm "không phù hợp với văn hóa Việt Nam" khi có trường đoạn khỏa thân kéo dài tới vài chục phút, nhiều cảnh khỏa thân trực diện. Tuy nhiên, ở góc độ khác, một số người cho rằng cần có một cách xử lý mềm mại hơn với “Vị”, vì việc cấm chiếu một bộ phim “là chuyện đau lòng với cá nhân nhà làm phim, cũng như tập thể sáng tạo” như NSX Đồng Thị Phương Thảo nói.
Từ ví dụ của “Vị”, trong buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý Luật Điện ảnh sửa đổi diễn ra mới đây, một số nhà làm phim cho rằng trong Luật Điện ảnh nên có thêm mức phân loại độ tuổi thay vì mức “trần” C18 (phim chỉ phù hợp với khán giả trên 18 tuổi) như hiện nay, để một số bộ phim không bị cấm chiếu hoàn toàn mà có thể được phổ biến trong phạm vi hẹp.
Việc phân loại phim được quy định trong điều 24, chương IV – Phổ biến phim của Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi quy định phân loại phim theo độ tuổi bao gồm: loại P (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng khán giả); PG (phim cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha mẹ, hoặc người giám hộ); C13 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13); C16 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16); C18 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18) và C (phim không phổ biến đến mọi đối tượng khán giả).
Theo đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, việc phân loại này đã mang đến một hệ quy chiếu cần nhưng chưa đủ.
“Ví dụ, trong C18: các bộ phim có thể có cảnh khỏa thân nhưng không được mô tả chi tiết và kéo dài. Thế nào là dài và dài bao nhiêu thì không phạm luật? Điểm mập mờ này gây ra bi kịch cho nhiều bộ phim. Vậy khoảng trống nào, không gian nào, mục xếp loại nào có thể giúp những bộ phim “đặc biệt” – những phim có cảnh bạo lực, khỏa thân, tình dục, kinh dị… vượt giới hạn của C18 nói chung được phổ biến?”, Tạ Nguyên Hiệp băn khoăn.
Từ đó, đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp đề xuất bổ sung Loại C24 – phim dành cho khán giả trên 24 tuổi, mở rộng giới hạn cho các bộ phim vượt ngưỡng C18 được phổ biến. Theo đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, C24 sẽ tháo gỡ lo lắng của những nhà quản lý về việc khán giả trẻ không đủ tuổi dễ bị tác động. Đồng thời cũng giúp nhà làm phim bước qua những giới hạn còn nhiều bất cập, mập mờ của C18.
Đồng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại chỉ dừng lại ở mức 18 tuổi? Nếu như có một phim nào đó bị cấm vì Hội đồng thẩm định cho rằng có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách của một bộ phận khán giả đã trên 18 tuổi, thì tại sao chúng ta không thể có các mức C21, C25, là những độ tuổi trưởng thành hơn?
Tạo không gian cho những bộ phim “đặc biệt”
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, hiện nay chúng ta đã có những quy định về phân loại phim theo quy định độ tuổi, nhưng nhiều bộ phim lại không thể xếp loại do những quy định ngặt nghèo. Vì vậy nhiều bộ phim có giá trị đã bị cấm và không thể công chiếu. Đây thực sự là điều đáng tiếc với những người làm phim nói riêng và với nền điện ảnh nói chung.
Đề xuất về việc bổ sung phim xếp loại C24, đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp cho rằng, sẽ mang đến những giá trị tiến bộ. Đó là C24 sẽ xây dựng một bộ tiêu chí mới, dành cho những bộ phim vượt giới hạn C18. Bộ tiêu chí này không nên là những áp đặt và lo lắng chủ quan của những người xây dựng Luật Điện ảnh, mà nên dựa trên các cuộc khảo sát xã hội nghiêm túc, để xem thật sự khán giả trên 24 tuổi có dễ bị tác động đến mức suy đồi và muốn làm… giang hồ khi xem phim về xã hội đen hay không (ví dụ như vậy).
Ngoài ra, theo đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, với những bộ phim “đặc biệt” mà Hội đồng duyệt cảm thấy lo lắng, đừng ra quyết định cấm chiếu mà hãy cân nhắc xếp vào C24. Và cho phép những nhà làm phim được đối thoại trực tiếp.
Dĩ nhiên, những bộ phim được phân loại C24 khi phát hành sẽ phải làm thật kỹ việc thông tin đến cho khán giả việc dán nhãn đặc biệt, để bộ phim tìm được đúng đối tượng khán giả mà mình hướng đến.
“Tạo không gian cho những bộ phim “đặc biệt”, trao cho nó chỗ đứng xứng đáng và để cho khán giả được thưởng thức những nét chấm phá độc đáo, những thử nghiệm mới mẻ của nhà làm phim, mà không bị cắt gọt hay cấm hoàn toàn, là điều tôi mong Luật Điện ảnh sửa đổi có được”, Tạ Nguyên Hiệp bày tỏ./.
Theo Phương Anh/VOV.VN - 1/10/2021
https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/de-xuat-them-muc-phan-loai-do-tuoi-khan-gia-cao-hon-18-894604.vov