Thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở một số địa phương đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhân viên y tế phường Phù Đổng, TP Pleiku (Gia Lai) phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết đến người dân. Ảnh: NHƯ NGUYỆN
Thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở một số địa phương đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc SXH, trong đó có 18 trường hợp tử vong, chủ yếu là tại các địa phương khu vực phía nam. So cùng kỳ năm 2020, số mắc giảm 36,7%, tăng năm trường hợp tử vong. Đáng chú ý, hai tuần gần đây số mắc có xu hướng tăng nhẹ, số mắc trong tuần tăng 15,4% so với tuần trước.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vius Dengue gây ra, bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vius sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh SXH xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, tại Việt Nam bệnh lưu hành rất phổ biến ở cả ba miền bắc, trung, nam và bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine cho nên bệnh thường gây ra dịch lớn, với nhiều người mắc cùng lúc khiến cho công tác điều trị gặp không ít khó khăn và gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội của các địa phương.
Theo PGS, TS Trần Thanh Dương (Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng T.Ư): Covid-19 và SXH đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi vius. Nếu như bệnh Covid-19 do vius SARS-CoV-2 gây ra, chủ yếu lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, tiếp xúc gần...; thì SXH do một trong bốn chủng vius Dengue gây ra, chủ yếu lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi loài Aedes bị nhiễm bệnh.
Cả hai bệnh đều có những triệu chứng ban đầu giống nhau như: đau nhức xương khớp, sốt, ớn lạnh, đau đầu... Tuy nhiên, SXH điển hình có biểu hiện như da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Ngoài ra, còn có dấu hiệu đau bụng hoặc nôn nhiều, có biểu hiện ứ dịch, xuất huyết niêm mạc như: chảy máu cam, chảy máu chân răng… Trong khi đó, bệnh Covid-19 ngoài nguy cơ đi từ vùng dịch và tiếp xúc với F0 sẽ có biểu hiện viêm đường hô hấp như: ho, đau họng, khó thở, nặng có thể dẫn đến thiếu oxy, suy hô hấp. Đáng lo ngại, khi dịch Covid-19 trên thế giới và ở nước ta đang diễn biến phức tạp, nhiều người bị SXH có thể sẽ chủ quan chỉ nghĩ đến Covid-19 mà bỏ qua việc thăm khám, xét nghiệm dẫn đến điều trị sai hoặc muộn… Đây là nguy cơ dịch SXH bùng phát thành dịch và lây lan trong cộng đồng.
Để chủ động phòng, chống SXH, nhất là không để xảy ra “dịch chồng dịch” khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực, các chuyên gia dịch tễ cho rằng: UBND các tỉnh, thành phố cần giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền địa phương chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch diệt bọ gậy, với mục tiêu bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH ngành y tế đưa ra. Chỉ đạo ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch; bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc-tơ trước và sau phun; tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân biết được các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh SXH Dengue. Các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXH Dengue trong tình hình dịch Covid-19, nhằm bảo đảm an toàn phòng lây nhiễm Covid-19. Trong đó, cần bố trí cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 và công tác khám, chữa bệnh thông thường, đặc biệt là dịch bệnh SXH…
PGS, TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng khuyến cáo, tại một số địa phương có hiện tượng mời chào các hộ gia đình phun thuốc muỗi. Tuy nhiên, thuốc này không được bảo đảm về chất lượng cũng như kỹ thuật, liều lượng, thời gian và xử lý sau khi phun theo quy định của Bộ Y tế. Do vậy, người dân nếu có nhu cầu phun thuốc nên đến trạm y tế xã, phường hoặc gọi tới đường dây nóng của sở y tế để được tư vấn đầy đủ, tránh bị lợi dụng. Đồng thời, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh SXH ngành y tế đưa ra như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần diệt bọ gậy; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà...
Theo THÁI SƠN/nhandan.vn – 7/10/2021
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/canh-bao-dich-sot-xuat-huyet-bung-phat-lay-lan-tai-cong-dong-668272/