Chỉ trong một tháng đầu tiên của năm học mới đã có đến ba cuộc thi được các liên chi đoàn, liên chi đội ở các trường phát động, trong khi học sinh vốn đã phải chịu nhiều áp lực do học trực tuyến.
Học sinh phải học trực tuyến vì dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)
“Việc học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài đã rất nhiều áp lực, tiếp xúc máy tính quá nhiều, đến mức Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tinh giản chương trình học. Trong khi đó, trường vẫn phát động các cuộc thi online của đoàn, đội. Điều đó là không phù hợp,” chị Lê Phượng, huyện Thanh Trì, Hà Nội bức xúc nói.
Một tháng 3 cuộc thi
Bức xúc của chị Phượng cũng là nỗi niềm của rất nhiều phụ huynh khác khi chỉ trong một tháng đầu tiên của năm học mới đã có đến ba cuộc thi được các liên chi đoàn, liên chi đội ở các trường phát động là thi tìm hiểu “Luật trẻ em trực tuyến năm 2021”, tìm hiểu “Biên cương Tổ quốc tôi” và thi “Ý tưởng sáng tạo năm 2021 của thiếu nhi Thủ đô.”
Cho rằng nội dung của các cuộc thi tuy có hữu ích nhưng theo chị Phượng, trong bối cảnh học sinh đang phải căng mình học trực tuyến vì dịch bệnh như hiện nay, việc cho học sinh phải tham gia thêm các cuộc thi trực tuyến là không nên.
Đây cũng là chia sẻ của chị Phạm Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội). Theo chị Hương, mỗi ngày, con chị đều học từ sáng đến trưa với cô giáo qua máy tính. Buổi chiều tiếp tục học trực tuyến các môn học qua phần mềm VNPT, làm bài tập trên phần mềm Azota. Chỉ riêng hoàn thành các bài ở trường, thời gian tiếp xúc với máy tính đã lên đến hơn 4 giờ đồng hồ mỗi ngày. Chị phải tìm mọi cách để giảm thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử của con như không mở tivi, in các file bài tập để con nhìn và làm trực tiếp thay vì nhìn trên máy tính, cắt hết các môn học thêm.
Giáo viên chủ nhiệm thống kê số lượng học sinh tham gia các cuộc thi trên nhóm Zalo lớp. (Ảnh: NVCC)
Cũng theo chị Hương, học sinh còn phải chịu nhiều áp lực khác như ức chế khi đường truyền Internet không ổn định, việc học bị gián đoạn, khó khăn trong tương tác với bạn bè và giáo viên...
“Tiếp xúc với máy tính quá nhiều đồng thời phải hạn chế đi ra ngoài khiến học sinh chịu rất nhiều áp lực tinh thần, bức bối về thể chất, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Trong khi đó, những cuộc thi càng khiến các con phải tiếp xúc máy tính nhiều hơn, áp lực vì thế cũng tăng lên,” chị Hương phân tích.
Hình thức và "bệnh" thành tích
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội, đây là các cuộc thi do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng đội Trung ương phát động và liên chị đoàn, đội các trường hưởng ứng nhưng không bắt buộc học sinh tham gia.
Tuy nhiên, theo chị Phượng, cuộc thi do trường phát động và các giáo viên nhắc nhở, thống kê số lượng học sinh dự thi ngay trên nhóm Zalo của lớp nên vẫn gây áp lực cho cả phụ huynh và học sinh. “Con lo không tham gia thi cô sẽ phạt, còn bố mẹ lại ngại với giáo viên nếu không cho con dự thi vì giáo viên có thể cũng bị giao chỉ tiêu số lượng học sinh dự thi,” chị Phượng nói.
Việc giao chỉ tiêu là thực tế khi trong văn bản gửi các liên đội về cuộc thi Ý tưởng sáng tạo, hội đồng đội của một quận trên địa bàn Hà Nội cũng giao rõ “số lượng phân bổ: mỗi liên đội 100 ý tưởng.” Văn bản cũng nêu rõ "Hội đồng đội quận sẽ căn cứ vào kết quả hoàn thành chỉ tiêu phân bổ của các liên đội làm tiêu chí đánh giá và chấm điểm thi đua cuối năm." Vì thế, chỉ tiêu này tiếp tục được phân bổ về cho các lớp.
Phụ huynh bức xúc khi học sinh lớp 1 vẫn phải tham gia thi dù các em còn chưa biết đọc. (Ảnh: NVCC)
Do chạy theo số lượng, có trường triển khai các cuộc thi đến cả học sinh lớp 1. "Vừa chân ướt chân ráo vào lớp 1, đọc còn chưa sõi, đánh vần được chữ sau quên chữ trước nhưng con đã phải làm bài thi tìm hiểu về Luật trẻ em với các câu hỏi dài ngoằng về xâm hại tình dục, với các từ ngữ như dâm ô, hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu..." một phụ huynh ở quận Thanh Xuân bức xúc.
Để vừa đáp ứng việc tham gia thi, vừa giảm áp lực cho con, nhiều phụ huynh cho hay họ đã làm bài thay con trong các cuộc thi. Thậm chí, có trường, giáo viên gửi luôn đáp án, học sinh chỉ việc "chép". Một số trường lại dành thời gian học môn Tin học để học sinh hoàn thành bài thi, không quan trọng đúng, sai. Cuộc thi, theo đó đã không đạt được mục tiêu là mở rộng kiến thức và nâng cao nhận thức cho học sinh.
“Dù biết làm bài thi hộ con là không nên nhưng tôi buộc phải chọn cách làm đối phó này để giải quyết được vấn đề đáp ứng yêu cầu về số lượng cho nhà trường đồng thời không làm cho con phải gánh thêm áp lực. Tôi nghĩ nhà trường khi phát động nên nói rõ là không bắt buộc để học sinh nào thực sự hứng thú sẽ tham gia, tránh hình thức và chạy theo thành tích, làm mất ý nghĩa thực sự của cuộc thi,” chị Nguyễn Thùy Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+) – 11/10/2021
https://www.vietnamplus.vn/phu-huynh-buc-xuc-vi-truong-phat-dong-cac-cuoc-thi-truc-tuyen/746005.vnp