Dịch Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội khiến nhiều bảo tàng phải thích ứng bằng ứng dụng công nghệ để tổ chức bảo tàng "ảo", tham quan "ảo", trưng bày "ảo" trên nền tảng số nhằm phát huy giá trị di sản.
Khách tham quan trải nghiệm công nghệ tra cứu thông tin tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Ảnh: TTXVN.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với chương trình tham quan trực tuyến thực tế ảo 3D; Bảo tàng Lịch sử quốc gia với ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D chuyên đề "Bảo vật quốc gia"... Ðây thật sự là những nỗ lực của các bảo tàng để kết nối khách tham quan trong những ngày giãn cách. Các tệp ghi âm, ghi hình, hình ảnh, công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường được tích hợp đã giúp người xem bước vào trong không gian ảo và tương tác nhiều hơn với tranh ảnh, hiện vật, tài liệu trưng bày.
Tuy vậy, sức thu hút công chúng của bảo tàng "ảo" vẫn rất hạn chế. Các chuyên gia bảo tàng cho rằng, dữ liệu nội dung tài liệu, hiện vật được số hóa phải độc đáo và đa dạng; đồng thời phải thiết kế được chương trình tham quan bảo tàng "ảo" hấp dẫn để có thể thu hút được khách ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại cả giờ đồng hồ. Thế nhưng, để có được hai yếu tố "dữ liệu số hóa cổ vật, hiện vật, tài liệu trưng bày" và "xây dựng nội dung trưng bày trực tuyến" cho hấp dẫn là điều không hề đơn giản.
Xây dựng nội dung trưng bày cho ứng dụng công nghệ số sao cho hiệu quả là một thách thức với ngành bảo tàng. Chẳng hạn, có những tài liệu, hiện vật dưới dạng văn bản giấy rất có giá trị về mặt nội dung lịch sử, văn hóa nhưng lại ít giá trị về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, nên khi ứng dụng công nghệ "ảo" 3D, 4D… khó tạo được sự hấp dẫn. Công nghệ số ngày càng phát triển, trong khi nền tảng lưu trữ cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (internet), kinh phí đầu tư, chuẩn bị nội dung, số hóa tài liệu, hiện vật, nguồn nhân lực… ở các bảo tàng nước ta còn rất hạn chế. Bảo tàng lưu giữ cổ vật, hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử, nhưng xây dựng, vận hành được mô hình bảo tàng "ảo" cần có đội ngũ nhân sự vững chuyên môn, đồng thời tiếp thu và nắm bắt nhanh xu hướng công nghệ. Và hiện các bảo tàng đều thiếu nhân lực loại này. Kinh phí vận hành hệ thống cũng là yếu tố khiến nhiều bảo tàng e ngại, ngay cả với những đơn vị lớn.
Suy đến cùng, công nghệ chỉ là công cụ chuyển tải nội dung, tăng cường hiệu quả phát huy nội dung (nhanh chóng, rộng rãi, sinh động, hấp dẫn) để thu hút công chúng. Nếu nội dung nghèo nàn thì ứng dụng công nghệ cũng không thể bảo đảm được tính sinh động, hấp dẫn; công chúng xem mãi một nội dung hay trải nghiệm mãi một ứng dụng công nghệ thì sẽ nhàm chán. Chưa kể, công nghệ trưng bày "ảo" nhanh chóng bị lạc hậu trước sự phát triển nhanh như vũ bão của những công nghệ mới. Trong trường hợp đối tác công nghệ của bảo tàng không còn hoạt động thì những sản phẩm công nghệ trở thành vô tác dụng, thậm chí là "phế thải công nghệ", bảo tàng lại phải tốn công "xử lý". Vì vậy, các bảo tàng đều phải tính toán kỹ lưỡng khi đầu tư làm bảo tàng "ảo". Dễ hiểu vì sao số bảo tàng có trải nghiệm tham quan ảo 3D và chương trình tham quan trực tuyến đủ sức "níu chân" người xem quá 30 phút, hiện tại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ðiều này cũng cho thấy, việc khai thác thương mại (thu phí tham quan) từ triển lãm số, trưng bày trực tuyến hay bảo tàng "ảo" là câu chuyện còn xa vời. Ðể có thể thu phí từ triển lãm, trưng bày trực tuyến, bảo tàng phải có nguồn tư liệu, hiện vật độc đáo, thú vị, sâu sắc, sinh động… Hệ thống website, nền tảng trực tuyến phải được hoàn thiện chuyên nghiệp, giúp người dùng thấy hài lòng; và quan trọng là nội dung phải hấp dẫn, khác biệt và độc quyền.
Rõ ràng bảo tàng "ảo" không thể thay thế được bảo tàng thực. Các bảo tàng là nơi thể hiện nét văn hóa, lịch sử của một vùng đất hay rộng hơn là một quốc gia. Vì thế, công chúng và du khách vẫn muốn đến tận nơi để được chiêm ngưỡng, tiếp cận những hình ảnh thuộc về quá khứ, tìm hiểu lịch sử, văn hóa của một địa phương, của quốc gia. Trưng bày thực hiện vật gốc ở bảo tàng thực có tính chất đặc biệt mà không một loại hình hay cách thức nào khác có thể thay thế được, bởi nó giúp mang lại tình cảm, cảm xúc lịch sử, yếu tố hình thành niềm tự hào, ngưỡng vọng, lòng yêu nước… Do vậy, ứng dụng công nghệ để trưng bày "ảo" ở các bảo tàng vẫn phải kết hợp hài hòa với trưng bày thực. Thực hiện bảo tàng "ảo" là để dẫn dắt, thu hút công chúng đến với bảo tàng thực, chứ đừng gây áp lực buộc bảo tàng "ảo" phải thu hút bằng được khách, hoạt động sôi nổi.
Theo QUANG ÐÔNG/nhandan.vn - Ngày 17/10/2021
https://nhandan.vn/vanhoa/thu-hut-cong-chung-den-voi-bao-tang-669789/