Trong 86 ngày điều trị Covid-19, nữ bệnh nhân có đến 61 ngày phải chạy ECMO vì tình trạng nguy kịch, với số tiền viện phí lên đến hơn 2.3 tỷ đồng.
Chiều 21/10, đại diện Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM) cho biết, các bác sĩ vừa làm thủ tục xuất viện cho nữ bệnh nhân Lê Thị Thanh Thảo (33 tuổi, ngụ TPHCM), sau 86 ngày nằm tại Trung tâm điều trị Covid-19 của bệnh viện. Điều đáng nói là trong quãng thời gian trên, có đến 61 ngày chị Thảo phải chạy ECMO (kỹ thuật hồi sinh tim phổi nhân tạo).
Theo bệnh sử, vào tháng 7 khi mang thai ở tuần thứ 37, chị Thảo phát hiện mắc Covid-19. Thai phụ được đưa vào bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi, tuy nhiên sau khi mổ bắt con thì diễn tiến nguy kịch.
Lúc này, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 để thực hiện kỹ thuật ECMO nhằm tìm cách níu giữ tính mạng. Đây cũng là trường hợp sản phụ nhiễm Covid-19 đầu tiên thực hiện kỹ thuật này vào ngày 27/7, kể từ khi bệnh viện thiết lập Trung tâm điều trị Covid-19.
Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật ECMO cho sản phụ mắc Covid-19 nguy kịch.
Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó Giám đốc Trung Tâm Điều trị Covid-19 của bệnh viện cho biết, những ngày mới vào viện sản phụ rối loạn đông máu và suy hô hấp nặng.
Ngoài chạy ECMO, ê-kíp điều trị đã hội chẩn ngay và đưa ra nhiều phương án điều trị khác nhau như kiểm soát hô hấp, thở máy, lọc máu liên tục kết hợp lọc hấp phụ, sử dụng thuốc kháng sinh...
Đến ngày 11/8 khi thấy tình hình sức khỏe bệnh nhân khả quan, các bác sĩ quyết định cai ECMO cho sản phụ. Nhưng chỉ 5 giờ sau, sản phụ tái suy hô hấp nặng, siêu âm ghi nhận phổi đông đặc, giãn thất phải tim. Xác định bệnh nhân Covid-19 bị biến chứng huyết khối phổi cấp tính nguy kịch, việc can thiệp ECMO lại được tiến hành.
Sản phụ cũng nhiễm cùng lúc 4 loại vi khuẩn đa kháng, khiến bệnh viện phải nhờ thêm sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành về kháng nấm, sử dụng kháng sinh. Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ và nhất là nghị lực của chính sản phụ, bệnh nhân dần đáp ứng điều trị, mở mắt và ăn được. Sau ngày cai ECMO lần 2, chị Thảo được tập vật lý trị liệu và từng bước hồi phục.
Chiều ngày 20/10, dưới sự chứng kiến của Đại tá, Tiến sĩ Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân Thanh Thảo rời viện ngay trong ngày Phụ nữ Việt Nam, để về sum họp cùng chồng con.
Sản phụ Thảo (người ngồi) trong ngày xuất viện về với gia đình.
Theo Thượng tá Vũ Đình Ân, bên cạnh rối loạn đông máu, vấn đề huyết khối phổi cũng gây ra nhiều thách thức cho các y bác sĩ khi thực hiện ECMO. Trường hợp bệnh nhân Thanh Thảo là một diễn biến bệnh bất ngờ, khiến bệnh nhân hoàn toàn nguy kịch lại như ban đầu sau hơn mười ngày ECMO.
Đặc biệt, 61 ngày áp dụng kỹ thuật ECMO của sản phụ tiêu tốn hơn 2.3 tỷ đồng - một kỷ lục về thời gian chạy ECMO cũng như viện phí. Dù vậy nhờ có bảo hiểm và theo quy định điều trị Covid-19 (được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A), toàn bộ viện phí của bệnh nhân Covid-19 đều được ngân sách chi trả toàn bộ.
Được biết ngoài chạy ECMO tại chỗ, Bệnh viện Quân y 175 còn thực hiện Mobile ECMO (ECMO di động) để đón nhiều sản phụ sau sinh, mắc Covid-19 nguy kịch từ bệnh viện phụ sản tuyến dưới về. Nhờ vậy nhiều bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục, mẹ tròn con vuông.
Theo Hoàng Lê/dantri.com.vn – 21/10/2021
link gốc