Cập nhật: 05/11/2021 10:37:00
Xem cỡ chữ

Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã chuyển đổi thành công khí thải công nghiệp thành protein thức ăn chăn nuôi. Các công ty và tổ chức tham gia nghiên cứu hy vọng kết quả này có thể giúp Trung Quốc giảm bớt phụ thuộc vào đậu nành nhập khẩu.

Các các nhà khoa học Trung Quốc đã sử dụng carbon monoxide (CO) và amoniac trong khí thải, tức phụ phẩm của các quá trình công nghiệp như lọc dầu, để tạo ra protein tế bào tổng hợp gọi là Clostridium autoethanogenum có thể được sử dụng làm protein thức ăn thông qua một quá trình lên men kỵ khí tối ưu hóa.

Theo ước tính của Báo Khoa học Trung Quốc, nước này mỗi năm sản sinh ít nhất 1,2 nghìn tỷ mét khối khí thải công nghiệp giàu CO, điều này đồng nghĩa với việc họ có thể sản xuất 10 triệu tấn protein loại này mỗi năm, tương đương với việc nhập khẩu 28 triệu tấn đậu nành, tức 1/3 lượng đậu nành nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Thức ăn chăn nuôi thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc và công ty công nghệ năng lượng mới Shougang Langze Bắc Kinh.  

Ông Dai Xiaofeng, Giám đốc viện nghiên cứu cho biết, một khi công nghệ này được công nghiệp hóa, nó sẽ giúp Trung Quốc thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu đậu nành.

Nhóm nghiên cứu cho biết, phương pháp mới có thể khắc phục những hạn chế như chậm và kém hiệu quả, dẫn đến hàm lượng protein thấp trong quá trình tổng hợp tự nhiên và tạo ra chất có hàm lượng protein cao chỉ trong 22 giây. Hiện tại, họ đã có khả năng sản xuất hàng chục nghìn tấn một năm./.

Theo PV/VOV-Bắc Kinh - 5/11/2021

https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-chuyen-doi-khi-thai-cong-nghiep-thanh-protein-thuc-an-chan-nuoi-902959.vov