Thảo luận về tình hình KT-XH, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần siết kỷ luật tài chính khi chúng ta đang phải chi rất lớn cho chống dịch và an sinh. Tuy nhiên, cũng cần rút gọn, tối giản thủ tục để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính
Sáng 8/11, thảo luận tại Hội trường về việc tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, huy động tối đa nguồn lực cho chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng cấp bách khác, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), cho rằng nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và an sinh đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, ngân sách Nhà nước thời gian qua đã phải căng ra chi cho chống dịch.
Do đó, đại biểu đề nghị cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách chống thất thu nợ đọng thuế, chuyển giá, chống gian lận thương mại. Đặc biệt, cần phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi tiết kiệm ngay từ khi lập dự toán giao và thực hiện dự toán.
“Trong lúc này, chúng ta phải thực sự tiết kiệm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, cùng với đó cần có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực xã hội từ người dân và hoạt động kinh tế; triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ nhằm tháo gỡ các khó khăn giúp cho doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng; có các chính sách hỗ trợ trực tiếp để không xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động và chuyên gia. Cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn không để xảy ra tình trạng người lao động ở lại quê, người nghèo lại phải nuôi người nghèo”, đại biểu Trịnh Xuân An kiến nghị.
Đại biểu đoàn Đồng Nai cũng đề nghị cần có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp - linh hồn của nền kinh tế. Theo đại biểu, thực tế, sự quan tâm thời gian qua vẫn còn chưa đủ, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân; doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi; vai trò của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cần phải đánh giá kỹ hơn, nhất là khi đầu vào cho hoạt động của các doanh nghiệp đang có xu hướng cái gì cũng tăng.
Bổ sung thêm cơ sở cho những kiến nghị của mình, đại biểu Trình Xuân An dẫn báo cáo kinh tế cho biết, hiện nay mới có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với các nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc đi vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. Các gói vay 16.000 tỷ đồng đến ngày 31/7/2020 kết thúc giải ngân, nhưng cũng chưa có đơn vị nào tiếp cận được nguồn vốn này.
Tối giản, rút gọn thủ tục để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hỗ trợ
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cũng đề nghị khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, bởi theo đại biểu, những gói này có giá trị như nguồn “oxy” cho doanh nghiệp đang “hấp hối”. Tuy nhiên, việc tiếp cận gói hỗ trợ còn khó khăn, trong khi doanh nghiệp đang đối mặt nhiều vấn đề. Vì thế “cần tối giản, rút gọn các thủ tục rườm rà, nhanh chóng giải ngân, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận”.
Đề nghị như vậy, đại biểu cũng đề xuất nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đại biểu đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh, Việt Nam còn nhiều dư địa để nghiên cứu đưa ra các gói kích thích đủ lớn bằng việc nâng trần nợ công nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chỉ tiêu vĩ mô.
Để người dân ly nông nhưng không phải ly hương
Nêu vấn đề phân bố kinh tế rút ra từ dịch Covid-19, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết nhiều đô thị lớn vẫn “ôm vào mình” những ngành gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, dẫn đến quá tải cho các trung tâm, chèn lấn các địa phưowng khác nghèo hơn.
Theo đại biểu, cần xây dựng nhiều trung tâm, chuỗi đô thị, tại các vùng đô thị khác nhau, để tạo ra nhiều cực tăng trưởng mới. “Phát triển kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả, người dân không phải ly hương, mà có thể ly nông để có việc làm, làm giàu trên quê hương mình”, đại biểu đoàn Hà Nội lý giải.
Về đầu tư công, đại biểu Lộc bày tỏ lo ngại khi áp lực giải ngân lớn sẽ phân bố dàn trải, dòng vốn đầu tư chảy vào các dự án kém hiệu quả. Ông đề xuất dồn vốn cho dự án trọng điểm quốc gia, có sự giám sát của Quốc hội.
Theo đó, cần thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Nhà nước không nên làm một mình. “Cơ quan Nhà nước cũng đang quá vì an toàn cho mình mà đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh./.
Theo PV/VOV.VN – 8/11/2021
https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/chi-cho-chong-dich-va-an-sinh-rat-lon-dbqh-de-nghi-siet-chat-ky-cuong-tai-chinh-903562.vov