Cập nhật: 28/11/2021 09:45:00
Xem cỡ chữ

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm gần 480.000 ca mắc mới COVID-19. Nhiều nước đang siết chặt đi lại với một số quốc gia châu Phi vì sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Bien the Omicon nguon goc Nam Phi gay lo ngai tren toan the gioi hinh anh 1

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore (Ấn Độ), ngày 27/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 28/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 261.352.460 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.211.922 ca tử vong. Tổng số ca đã khỏi bệnh là 236.051.212 ca và số bệnh nhân đang được điều trị là 20.089.326 ca, trong đó có 83.109 ca nguy kịch.

Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 799.312 ca tử vong trong tổng số 49.077.695 ca mắc. Tiếp theo là Ấn Độ với 467.979 ca tử vong trong số 34.571.368 ca mắc; Brazil ghi nhận 614.236 ca tử vong trong tổng số 22.076.863 ca mắc. Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm gần 480.000 ca mắc mới và hơn 5.330 ca tử vong.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron (B.1.1.529) có nguồn gốc từ Nam Phi đang gây lo ngại trên toàn thế giới. Nhiều khu vực đang chạy đua với thời gian khống chế biến chủng Omicron lan rộng bằng các biện pháp siết xuất nhập cảnh và cách ly, xét nghiệm người về từ châu Phi.

Ngày 27/11, Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại nước này. ISS cho biết biến thể Omicron được phát hiện trong mẫu xét nghiệm dương tính với COVID-19 của một bệnh nhân nhập cảnh vào Italy từ Mozambique. Người này cùng người thân đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt.

Cùng ngày 27/11, giới chức y tế Hà Lan cho biết đã phát hiện “một số” trường hợp nghi nhiễm biến thể Omicron trong số hành khách nhập cảnh từ Nam Phi.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cũng đã xác nhận hai trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Anh với biến thể Omicron. Hai trường hợp bị nhiễm này, một ở Chelmsford và trường hợp còn lại ở Nottingham, đã hoặc có liên quan đến việc di chuyển đến khu vực miền nam châu Phi.

Tất cả các thành viên trong gia đình của 2 trường hợp này đã được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong khi các cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành việc xét nghiệm và truy vết.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết nhờ khả năng giải mã gene tốt mà Anh đã xác định được 2 trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở Vương quốc Anh. Ông cũng cho biết sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ công chúng Anh trước mối đe dọa đang nổi lên này và đó là lý do tại sao Anh đang tăng cường năng lực xét nghiệm tại các khu vực bị ảnh hưởng và đưa ra các hạn chế đi lại đối với 4 quốc gia là Malawi, Mozambique, Zambia và Angola.

Ông Sajid Javid cũng cho rằng việc xuất hiện các ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch này và việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là rất quan trọng, nên người dân, nếu chưa tiêm thì nên đi tiêm và nếu đã tiêm rồi thì nên đặt hẹn mũi tiêm nhắc lại khi đủ điều kiện.

Thủ tướng Anh: Biến thể Omicron có thể lây lan giữa những người đã tiêm

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết biến thể mới Omicron nhiều khả năng vẫn có thể lây lan giữa những người đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Johnson nói: "Các nhà khoa học của chúng ta đang nắm bắt thêm qua từng giờ. Và có vẻ là biến thể Omicron lây lan rất nhanh và có thể lây lan giữa những người đã tiêm hai mũi vaccine.”

Trong khi đó, Giám đốc Y tế Anh, Giáo sư Chris Whitty, cho biết Anh sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để nhanh chóng thu thập và phân tích thông tin về biến thể Omicron để có thể hiểu rõ về khả năng lây nhiễm cao hơn hay kháng vaccine của biến thể này.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng điều quan trọng là mọi người phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hợp lý - làm xét nghiệm PCR nếu có các triệu chứng, cách ly khi được yêu cầu, đeo khẩu trang trong không gian kín và đông người, lưu thông gió cho các phòng, tiêm vaccine và mũi nhắc lại càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo từ UKHSA, chính phủ Anh đã đưa thêm 4 nước là Malawi, Mozambique, Zambia và Angola vào danh sách đỏ từ 4 giờ sáng 28/11, theo đó các chuyến bay đi và đến từ 4 quốc gia này sẽ bị tạm dừng và những người trở về từ bốn quốc gia này sẽ phải làm xét nghiệm PCR và cách ly ít nhất 10 ngày.

Mỹ khuyến cáo "Không đến" với 8 nước châu Phi

Trong ngày 27/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng Bộ Ngoại giao nước này khuyến cáo người dân không đến 8 nước khu vực miền Nam châu Phi sau khi Nhà Trắng công bố những biện pháp hạn chế đi lại mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

CDC điều chỉnh khuyến cáo đi lại lên “Mức 4: Rất cao” đối với Nam Phi, Zimbabwe, Namibia, Mozambique, Malawi, Lesotho, Eswatini và Botswana trong khi Bộ Ngoại giao công bố khuyến cáo “Không đến” đối với nhóm nước này.

Israel cũng đã thông báo cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh, trở thành nước đầu tiên đóng hoàn toàn biên giới để đối phó biến chủng Omicron.Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài sẽ kéo dài 14 ngày và đang chờ chính phủ phê duyệt, dự kiến có hiệu lực từ đêm 28/11.

Giới chức Israel hy vọng sẽ có thêm thông tin về hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 đối với biến chủng Omicron trong giai đoạn này. Thủ tướng Bennett cho hay công dân Israel nhập cảnh sẽ phải cách ly, dù đã tiêm chủng đầy đủ. Cơ quan An ninh Israel (Shin Bet), một trong ba tổ chức tình báo lớn nhất đất nước, sẽ sử dụng công nghệ theo dõi điện thoại để phát hiện người nhiễm biến chủng Omicron và ngăn virus lây lan.

Israel đến nay đã ghi nhận 1 ca nhiễm biến chủng Omicron và 7 ca nghi nhiễm. Bộ Y tế nước này không cho biết người nhiễm đã tiêm chủng hay chưa, trong khi một nửa ca nghi nhiễm đã được tiêm vaccine và ba người không ra nước ngoài trong thời gian gần đây.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 27/11 đã chỉ đạo rà soát lại các kế hoạch nới lỏng hạn chế đi lại quốc tế, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định biến thể Omicron của virus SARS CoV-2 - được phát hiện tại Nam Phi là “biến thể gây quan ngại.”

Ông Modi nhấn mạnh sự cần thiết phải sàng lọc tất cả khách quốc tế nhập cảnh và tiến hành xét nghiệm theo quy định, trong đó đặc biệt tập trung vào các quốc gia được xác định “có nguy cơ.”

Bien the Omicon nguon goc Nam Phi gay lo ngai tren toan the gioi hinh anh 2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Ultrecht (Hà Lan), ngày 8/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Modi cũng yêu cầu tăng tỷ lệ bao phủ liều thứ hai vaccine COVID-19, thu thập mẫu phẩm của khách quốc tế và trong cộng đồng để giải trình tự gene theo quy định, tiến hành xét nghiệm và nhận dạng các tín hiệu cảnh báo sớm để kiểm soát COVID-19.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.

Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee cho rằng biến chủng mới gây triệu chứng nhẹ và chưa được phát hiện ở người đã tiêm chủng ở Nam Phi. Phần lớn ca nhiễm được theo dõi thời gian qua là người trẻ, dưới 40 tuổi.

Thông điệp của Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi nhằm bày tỏ sự không hài lòng với phản ứng từ nhiều nước trong vài ngày qua trước biến chủng mới.

Giới chuyên gia lo ngại biến thể Omicron với 32 đột biến có khả năng lây nhiễm cao và nguy hiểm hơn biến chủng Delta. WHO ngày 26/11 xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại toàn cầu./.

Theo Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/bien-the-omicon-nguon-goc-nam-phi-gay-lo-ngai-tren-toan-the-gioi/756551.vnp