Cập nhật: 01/12/2021 07:45:00
Xem cỡ chữ

Phát triển du lịch đường thủy nội địa để phụ vụ du lịch nằm trong 9 nhiệm vụ lớn của ngành du lịch TP Đà Nẵng, tuy nhiên trong những năm qua, các hoạt động du lịch đường thủy nội địa vẫn chưa có gì khởi sắc, nổi bật. theo thống kê của Sở Du lịch thành phố, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng bằng đường thủy năm 2020 ước khoảng 161.443 lượt, giảm 78% so với năm 2019. Hiện tại, Đà Nẵng đang nỗ lực từng bước để thúc đẩy du lịch đường sông sớm hoạt động trở lại.

Cần đầu tư, nâng cấp các bến thủy nội địa để phát triển du lịch

UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản đối với việc rà soát quy hoạch, đầu tư các bến thủy nội địa trên địa bàn TP, giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại nhu cầu, lượng khách du lịch và định hướng phát triển du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn TP theo từng tuyến du lịch, làm cơ sở xác định quy mô cỡ tàu, quy mô bến thủy nội địa, đồng thời có đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư các tuyến du lịch đường thủy và các bến thủy nội địa để phân kỳ đầu tư cho phù hợp. Đối với tuyến đường thủy nội địa trên sông Cu Đê, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Du lịch rà soát, đánh giá lại nhu cầu vận chuyển khách du lịch, quy mô bến thủy để làm cơ sở đề xuất quy hoạch, đầu tư trong thời gian tới. 

Khách du lịch trẻ đến Đà Nẵng luôn ưa chuộng các dịch vụ du lịch đường sông 

Năm 2021, sau khi lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan về lập quy hoạch, đầu tư các bến thủy nội địa trên địa bàn, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Đà Nẵng đã đề xuất danh mục 12 bến thủy nội địa ưu tiên đầu tư xây dựng từ năm 2022 trở đi. Trong đó có 4 bến đề xuất đầu tư trong năm 2022-2023, gồm các bến Y5 (khu vực cảng cá Thuận Phước cũ), bến Y6 (khu vực cảng Sông Hàn cũ) và bến X10 (khu vực phía sau Trung tâm Hội chợ triển lãm, sông Cẩm Lệ) với quy mô bến bê tông cốt thép đón trả khách kết hợp dịch vụ phụ trợ; bến X6 (khu vực chùa Quán Thế Âm thuộc khu vực Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) với quy mô bến bê tông cốt thép. UBND TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt đầu tư 39 bến thủy nội địa trên địa bàn, đến nay có 5 bến đã đầu tư xây dựng xong trên địa bàn huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà; còn lại 34 bến chưa được đầu tư xây dựng.

Để phát triển du lịch thủy nội địa, trong những năm qua, Sở Du lịch Đà Nẵng đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, đóng mới tàu có cấp SB (tàu sông pha biển), đặc biệt các tàu lưu trú về đêm trên vịnh Đà Nẵng. Trong đó có một số công ty kinh doanh du lịch đã hoàn thành đóng mới  tàu đưa vào hoạt động phục vụ khách. Thời gian tới, đối với các hoạt động du lịch đường sông, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết sẽ ưu tiên phát triển tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý và tuyến quanh khu vực bán đảo Sơn Trà để hoàn thiện cho khách được trải nghiệm, tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng sông Hàn, cảng sông Thu thành cảng, bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch. Với các bến đã triển khai đầu tư và cơ bản hoàn thành hạng mục cầu tàu (Túy Loan, Thái Lai) tiếp tục đầu tư các hạng mục bổ sung như nhà chờ, bãi đậu xe, nhà vệ sinh, quầy lưu niệm. 

Theo MINH CHÂU/baovanhoa.vn

http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/47792/da-nang-no-luc-dua-du-lich-duong-song-hoat-dong-tro-lai