Cập nhật: 01/12/2021 08:37:00
Xem cỡ chữ

Theo một nghiên cứu trên Tạp chí JACC: Heart Failure, nhiều bệnh nhân bị COVID kéo dài mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính và các vấn đề về hô hấp khác vài tháng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hội chứng mệt mỏi mạn tính là một tình trạng bệnh lý thường xảy ra sau khi bị nhiễm virus và gây sốt, đau nhức, mệt mỏi kéo dài và trầm cảm. Nhiều bệnh nhân COVID-19, trong đó có một số người chưa bao giờ nhập viện, đã báo cáo các triệu chứng dai dẳng sau khi họ hồi phục COVID-19. Những bệnh nhân này bị PASC (Di chứng cấp tính sau nhiễm SARS-CoV-2 ) hay còn gọi là “COVID kéo dài”. Mệt mỏi nghiêm trọng, khó nhận thức, ngủ không sâu giấc và đau nhức cơ đều được coi là các triệu chứng chính đối với bệnh nhân PASC.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã xem xét 41 bệnh nhân (23 nữ, 18 nam) trong độ tuổi từ 23 - 69 tuổi. Họ đã được kiểm tra chức năng phổi bình thường, chụp X-quang phổi, chụp CT ngực và siêu âm tim. Lưu ý, họ đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cấp tính trong khoảng từ 3 - 15 tháng trước khi trải qua nghiệm pháp gắng sức tim mạch – hô hấp (CPET) và tiếp tục bị khó thở không rõ nguyên nhân.

Tiến sĩ Donna M. Mancini, giáo sư tại khoa tim mạch tại Trường Y Icahn, Mount Sinai (Mỹ) và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Phục hồi sau nhiễm COVID-19 cấp tính có thể liên quan đến tổn thương các cơ quan nội tạng khác. Nhiều bệnh nhân trong số này bị khó thở, và CPET thường được sử dụng để xác định nguyên nhân cơ bản của nó. Kết quả CPET cho thấy một số bất thường bao gồm giảm khả năng tập thể dục, tăng thông khí và thở bất thường, sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sống bình thường hàng ngày của họ”.

Trước khi tập thể dục, bệnh nhân được đánh giá hội chứng mệt mỏi mạn tính (ME/CFS) thông qua ước tính mức độ mệt mỏi làm giảm hoạt động của họ tại nơi làm việc, trong cuộc sống cá nhân hoặc ở trường trong sáu tháng trước đó; và tần suất họ bị đau họng, nổi hạch mềm, nhức đầu, đau cơ, cứng khớp, ngủ không ngon giấc, khó tập trung hoặc các triệu chứng sau khi gắng sức nhẹ. Gần một nửa (46%) người tham gia nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí đánh giá trên.

Các bệnh nhân trong khi được kết nối với điện tâm đồ, máy đo oxy và máy đo huyết áp, được ngồi trên xe đạp cố định và sử dụng ống ngậm dùng một lần để đo lượng khí thở ra và các thông số thở khác. Sau thời gian nghỉ ngơi ngắn, bệnh nhân bắt đầu các bài tập khó hơn. Lúc này, bệnh nhân được đo mức tiêu thụ oxy tối đa (VO2), sản xuất CO2 và tốc độ thở cũng như thể tích.

Kết quả, hầu hết tất cả các bệnh nhân (88%) có kiểu thở bất thường (được gọi là rối loạn chức năng thở), thường là thở nhanh, nông và được quan sát thấy ở bệnh nhân hen suyễn. Bệnh nhân cũng có giá trị CO2 thấp khi nghỉ ngơi và khi tập thể dục, cho thấy tăng thông khí mạn tính.

“Những phát hiện này cho thấy, trong một nhóm nhỏ những người bị COVID kéo dài, tình trạng tăng thông khí hoặc rối loạn chức năng thở có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của họ. Điều này rất quan trọng vì những bất thường này có thể được giải quyết bằng các bài tập thở”, Tiến sĩ Mancini nhấn mạnh.

Tuy nhiên, có một vài hạn chế trong nghiên cứu này do đây là một nghiên cứu quan sát nhỏ. Sự sai lệch trong lựa chọn có thể đã xảy ra khi các nhà khoa học đã nghiên cứu những bệnh nhân chủ yếu mắc chứng khó thở không rõ nguyên nhân. Do đó, cần điều tra thêm mối tương quan giữa các phát hiện với hình ảnh phổi và tim./.

Theo CTV Lương Trâm/VOV.VN (Biên dịch)

https://vov.vn/suc-khoe/nguoi-bi-covid-keo-dai-co-the-mac-hoi-chung-tho-bat-thuong-va-met-moi-man-tinh-908489.vov