Áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ giúp cải thiện triệu chứng viêm - một yếu tố quan trọng trong nhiều dạng viêm khớp. Người bệnh viêm khớp nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như: rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
Vai trò của chất xơ đối với sức khỏe
Cơ thể chúng ta cần hai loại chất xơ, đó là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan trộn với nước tạo thành gel, làm chậm quá trình tiêu hóa. Nó giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn và cũng có thể làm giảm cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (cholesterol xấu).
Nguồn chất xơ hòa tan có trong các loại thực phẩm như: quả hạch, hạt, đậu, đậu lăng, cám yến mạch và lúa mạch.
Chất xơ không hòa tan giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Nó bổ sung khối lượng lớn cho phân, giúp ngăn ngừa táo bón. Chất xơ không hòa tan có trong: rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và cám lúa mì.
Thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh viêm khớp.
Chất xơ tốt cho người bệnh viêm khớp
Một vài nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ăn chế độ ăn nhiều chất xơ có mức protein phản ứng C (CRP) trong máu thấp hơn. CRP là một dấu hiệu của chứng viêm có liên quan đến các bệnh như viêm khớp dạng thấp (RA), bệnh tim và đái tháo đường.
Chế độ ăn giàu chất xơ cũng có thể giúp giảm viêm bằng cách giảm trọng lượng cơ thể. Thực phẩm giàu chất xơ cũng cung cấp cho vi khuẩn có lợi sống trong ruột, sau đó giải phóng các chất giúp giảm mức độ viêm nhiễm trên toàn cơ thể.
Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp giảm viêm.
Bổ sung bao nhiêu chất xơ là đủ?
Bạn nên bổ sung 20 - 35g chất xơ mỗi ngày, bao gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Cụ thể, nên ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như: rau và trái cây (đậu, bông cải xanh, bắp cải, cần tây, nấm; các loại quả mọng, quả bơ, cam, táo, đu đủ…); các loại ngũ cốc nguyên hạt (bột mì nguyên cám, bột yến mạch, bột ngô nguyên hạt, gạo lứt…).
Đối với những người trước đó có chế độ ăn thường không có chất xơ nếu ăn nhiều một lúc có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu như đầy hơi và chướng bụng. Vì vậy, nên tăng lượng chất xơ từ từ để cơ thể thích nghi dần.
Ở một số ít trường hợp có thể nhạy cảm với gluten - một loại protein có trong lúa mì và các loại ngũ cốc khác - có thể gây ra chứng viêm. Trong trường này người bệnh có thể sử dụng các loại thực phẩm giàu chất xơ khác để thay thế.
Cần lưu ý uống nhiều nước, khoảng 2 lít mỗi ngày đối với người trưởng thành. Vì nước giúp chất xơ hoạt động hiệu quả hơn trong cơ thể.
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn chất xơ có lợi cho sức khỏe.
Một trong những cách bổ sung chất xơ hiệu quả là sử dụng ngũ cốc nguyên hạt. Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu vitamin B và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Chúng có nhiều chất xơ, liên kết với các axit béo như LDL cholesterol và mang chúng ra khỏi cơ thể trước khi chúng có thể làm tắc nghẽn động mạch và dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Ăn ngũ cốc nguyên hạt có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp và bệnh tim. Chúng cũng là nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột giúp giảm viêm trong cơ thể.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-giau-chat-xo-tot-cho-nguoi-benh-viem-khop-169211213230918971.htm