Năm 2021, mảng sách này cho thấy những tín hiệu vui với những nỗ lực, đổi mới không ngừng. Nhiều cây viết mới, tác phẩm hay được vinh danh tại giải thưởng cao và có mặt trên thị trường sách quốc tế.
Văn học thiếu nhi nhiều năm bị mặc định là một khoảng trống lớn cần được lấp đầy khi thiếu vắng những tác phẩm hay, hấp dẫn, những tên tuổi làm nên hiện tượng để thu hút độc giả nhí. Năm nay, mảng sách này cho thấy những tín hiệu vui với những nỗ lực, đổi mới không ngừng. Nhiều cây viết mới, tác phẩm hay được vinh danh tại giải thưởng cao và có mặt trên thị trường sách quốc tế.
Bội thu mùa giải thưởng
Tiếp nối thành công của Giải thưởng Dế Mèn năm 2020, Giải thưởng Dế Mèn năm 2021 trao giải cho 5 tác phẩm xuất sắc. Trong đó, 3 tác phẩm mảng sách văn học gồm tiểu thuyết “Đi trốn”, bộ sách tranh “Khác biệt mới tuyệt làm sao”, truyện tranh “Ly & Chũn” đã tạo nên những nét chấm phá trong bức tranh nghệ thuật thiếu nhi trong năm qua.
Tiểu thuyết "Đi trốn" của nhà văn Bình Ca nhận giải "Khát vọng Dế Mèn".
Bên cạnh đó, các tác giả tham gia đã lớn tuổi, Giải thưởng còn cho thấy tín hiệu vui khi có sự xuất hiện những cây bút trẻ, cây bút nhí sáng tác tác phẩm dành cho lứa tuổi của mình đã tạo nên một hiệu ứng tốt, kích thích sự đồng cảm, sẻ chia và sáng tạo ở cả trẻ em và người lớn. Thế hệ tác giả này đã quan tâm, thể hiện được ngôn ngữ, bản sắc quê hương, con người tạo nên nét độc đáo, cuốn hút trong tác phẩm. Tất cả cho thấy nguồn mạch sáng tác văn hóa nghệ thuật thiếu nhi vẫn chảy liên tục bất chấp những khó khăn do tình hình dịch bệnh.
Bộ truyện "Khác biệt mới tuyệt làm sao" của Nguyễn Hoàng Vũ và các hoạ sĩ: Gà's little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương.
Sau Giải thưởng Dế Mèn năm 2021, sách dành cho thiếu nhi tiếp tục “bội thu” tại Giải thưởng Sách quốc gia, khi có số lượng sách dự giải và đoạt giải khá cao - 27 tác phẩm dự giải, 5 tác phẩm đoạt giải (1 giải A, 4 giải B, 2 giải C). Những tác phẩm được vinh danh đều mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người, tình cảm gia đình và kỹ năng sống.
Trong đó, nổi bật là cuốn “Chang hoang dã – Gấu” của tác giả Trang Nguyễn giành giải thưởng cao nhất – giải A. “Chang hoang dã– Gấu” gây xúc động bởi hành trình giải cứu chú gấu Sorya khỏi tay của những kẻ buôn bán động vật hoang dã và đưa chú trở lại môi trường sống. Hành trình đó được ghi lại từ chính trải nghiệm của tác giả. Câu chuyện lay động trái tim về sự sống của muôn loài đã khéo léo gieo vào lòng độc giả nhí tầm quan trọng của thiên nhiên, truyền cảm hứng về việc dũng cảm theo đuổi ước mơ.
Cuốn “Chang hoang dã – Gấu” của tác giả Trang Nguyễn giành giải thưởng cao nhất – giải A.
Một cuốn sách khác nhận được sự chú ý tại giải thưởng là tác phẩm giành giải B - “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ghi chép lại những câu chuyện của hai cháu nội ngoại, Nguyễn Quang Thiều đã mang đến cho độc giả những cung bậc cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên về tình cảm ông cháu, sự gắn kết các thành viên trong đại gia đình. Từ đó, nhắn nhủ tới độc giả thông điệp về lẽ sống biết yêu thương mọi người xung quanh và phải giữ cho mình nền tảng giá trị gia đình truyền thống. Đó là nơi sẽ luôn chở che, yêu thương con người ta vô hạn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận giải B giải thưởng Sách Quốc gia cho tác phẩm “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết ông đã đi qua rất nhiều giải thưởng trong cuộc đời nhưng giải thưởng lần này là đặc biệt nhất bởi “Việc xây dựng thế giới tâm hồn cho những đứa trẻ là một điều hệ trọng của bất kỳ một quốc gia nào. Giải thưởng Sách quốc gia đã cho thấy chiến lược đối với mảng sách thiếu nhi”, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Vượt khuôn khổ quốc gia
Không chỉ được nhìn nhận đúng tầm, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi trong năm qua đã vượt khuôn khổ quốc gia để đến với bạn đọc quốc tế. Sau khi xuất bản tại thị trường trong nước, cuốn tranh truyện “Chang hoang dã – Gấu” đã được bán bản quyền cho nhà xuất bản Pan Macmillan của Anh và nhượng quyền cho 5 nước, gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ. Cuốn tranh truyện được xuất bản với tựa tiếng Anh là “Saving Sorya: Chang and the Sun Bear”.
"Chang hoang dã - Gấu" được bán bản quyền cho nhà xuất bản Pan Macmillan của Anh và nhượng quyền cho 5 nước, gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh “Chang hoang dã – Gấu”, nhiều cuốn sách khác cũng thành công ghi dấu ở thị trường quốc tế như “Đúng là Tết - This is Tết” đã được bán bản quyền để xuất bản song ngữ tại Đức và đang trong quá trình thương thảo để xuất bản tại Pháp, “Những người bạn” được phát hành tại Nhật Bản,…
Mới đây, cuốn truyện “Tôi là Bêtô” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ được xuất bản tại Hàn Quốc vào đầu năm 2022. Đây là tác phẩm thứ hai của Nguyễn Nhật Ánh có bản tiếng Hàn, sau “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được phát hành năm 2013.
Cuốn sách "Tôi là Bêtô" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ phát hành tại Hàn Quốc vào năm 2022.
Nguyễn Nhật Ánh cho rằng văn chương là một phương tiện để khám phá vùng đất, thấu hiểu văn hóa một dân tộc. Thông qua văn chương, bạn đọc quốc tế sẽ thêm yêu Việt Nam qua những tác phẩm văn chương. “Tôi tin văn chương không chỉ đem lại mỹ cảm mà đó còn là một phương tiện tuyệt vời để khám phá một vùng đất, thấu hiểu một quốc gia và cảm mến một dân tộc. Đó là lý do tôi hy vọng những cuốn sách của nhà văn Việt Nam sẽ giúp bạn đọc quốc tế thêm yêu mến con người và đất nước chúng ta", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
Chiến lược lâu dài cho văn học thiếu nhi
Hội Nhà văn Việt Nam xem văn học thiếu nhi là chiến lược quan trọng, đầu tư dài hạn. Với quyết tâm đưa văn học thiếu nhi trở thành mảng trọng điểm, Hội Nhà văn Việt Nam đã có hành động cụ thể để phát triển mảng sách này thực sự có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.
“Chúng tôi muốn phục hồi phát triển văn học thiếu nhi. Hội Nhà văn Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển văn học thiếu nhi, văn học trẻ là một chiến lược lớn. Theo lời phát biểu chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, một trong những nhiệm vụ lớn của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ mới là phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hoá dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là con người Việt Nam”, Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Động lực cho điều đó chính là giải thưởng quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em, được Hội Nhà văn Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp thực hiện, khởi động từ năm nay.
“Ngoài giải thưởng chính thức trao riêng biệt cho sách văn học thiếu nhi, chúng tôi cũng lập ra Hội đồng văn học thiếu nhi (trước đây chỉ là một ban, chủ yếu làm công tác phong trào) đi sâu vào chuyên môn hơn. Điều này sẽ góp phần nâng cao vị thế, giá trị của sáng tác văn học Việt Nam dành cho thiếu nhi trong thời gian tới”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Sáng tác cho thiếu nhi luôn là thách thức với đội ngũ người cầm bút. Vì thế, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thời gian tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc vận động, toạ đàm, giao lưu, sáng tác và sẽ có những đầu tư đặc biệt cho các nhà văn có những đề cương tốt nhất cho văn học thiếu nhi.
“Chúng tôi sẽ cùng nhau thúc đẩy sáng tạo, vừa bằng tinh thần, trách nhiệm, vừa bằng tình yêu thương dành cho trẻ, để những nhà văn có đề cương tốt, dự án tốt sẽ thuận lợi hơn, được động viên nhiều hơn viết nên những cuốn sách của mình”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Việc thành lập các quỹ sáng tác văn học thiếu nhi có lẽ cũng là phương án cần tính toán. Ngoài ra, việc tạo ra các "sân chơi văn học" để thiếu nhi có cơ hội viết về mình và bạn bè mình vô cùng quan trọng để tạo ra lực lượng sáng tác trẻ tuổi kế cận có tính chất lâu dài.
Hội Nhà văn cũng sẽ chọn ra những tác phẩm trong sáng nhất, đậm bản sắc văn hoá dân tộc nhất, nhân văn nhất cho trẻ em để xuất bản. Hội sẽ tìm cách xã hội hoá để in mỗi năm từ 5 đến 10 vạn sách hay, chất lượng, mang tặng trẻ em ở miền núi và vùng sâu, vùng xa.
“Chúng tôi làm điều này vì ở thành phố, chúng ta có thể dễ mua một cuốn sách cho con, cháu mình. Ở miền núi, vùng sâu vùng xa, có nhiều nơi, việc mua một cuốn sách cho một đứa trẻ là vô cùng khó, nhưng không có gì tuyệt vời, diệu kỳ hơn cho những đứa trẻ là những cuốn sách… Tôi tin rằng văn học thiếu nhi chắc chắn sẽ khởi sắc”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói./.
Theo Hạnh Lê/VOV.VN
https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/2021-mot-nam-khoi-sac-cua-van-hoc-thieu-nhi-post913889.vov