Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 6 kỳ Đại hội (từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nhiệm kỳ Đại hội XVII). 25 năm qua, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển, trong đó lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, Vĩnh Phúc đã vươn lên mạnh mẽ là điểm sáng về phát triển công nghiệp và nằm trong tốp đầu cả nước về phát kinh tế - xã hội.
Ngay từ giai đoạn 1997-2000, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã xác định: Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, nhất là đối với công nghiệp, sớm thoát khỏi tình trạng kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ tỉnh tiếp tục chủ trương tập trung phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng cho phát triển của tỉnh. Kiên định mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2010-2015, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020 và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I.
Với chủ trương đúng đắn, tư duy sáng tạo, đột phá của các thế hệ lãnh đạo tỉnh cùng với những chính sách ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Từ chỗ không có khu công nghiệp khi mới tái lập, đến nay tỉnh đã có 19 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, có 08 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế năm 2021 chiếm đến 63,74%. Từ phát triển công nghiệp đã đưa Vĩnh Phúc vươn lên mạnh mẽ, thu ngân sách nhà nước đạt cao, luôn nằm trong tốp các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước.
Năm 1997 mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng, từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương; năm 2009 vượt mốc 10.000 tỷ đồng, năm 2014 vượt mốc 20.000 tỷ đồng và đến năm 2016 vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2019 đạt trên 35.000 tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; năm 2020 và năm 2021 mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách năm 1997. Số thu ngân sách tăng cao đã tạo điều kiện tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế xã hội và thực hiện các chính sách xã hội, đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt trên 114 triệu đồng/người/năm, cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 và gấp gần 2 lần so với bình quân cả nước.
Kiên định mục tiêu phát triển công nghiệp làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, phát huy truyền thống tự hào qua 25 năm tái lập, Vĩnh Phúc quyết tâm đột phá, hiện thực hóa khát vọng giàu đẹp, phồn vinh./.
Văn Hải