Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền thu hút sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của 23 đơn vị.
Nhằm giới thiệu, quảng bá và bảo tồn những giá trị tinh hoa qua các làn điệu dân ca, ca dao, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống của các vùng miền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền năm 2021 được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phát động và tổ chức từ tháng 9-12/2021. Các tiết mục xuất sắc nhất được lựa chọn công diễn tại lễ tổng kết và trao giải vào ngày 26.12 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).
Hội diễn được tổ chức theo hình thức ghi hình nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đáp ứng chất lượng nghệ thuật,thích ứng với bối cảnh mới hiện nay.
Hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ góp mặt
Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền thu hút sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của 23 đơn vị thuộc Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim, Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh của 23 các tỉnh, thành phố: An Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Gia Lai, Vĩnh Phúc.
Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, sự tham gia hào hứng của các đơn vị cho thấy sức mạnh và sự lôi cuốn của âm nhạc dân ca trong đời sống. Với nỗ lực và niềm đam mê, hàng trăm nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên đã đến với sân chơi này với tinh thần sôi nổi, nhiệt huyết, năng động. Qua 130 tiết mục với các thể loại hát, múa, độc tấu, song tấu, tam tấu, hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, các nghệ sĩ, diễn viên đã thể hiện trọn vẹn những khát vọng, đam mê cống hiến cho dòng chảy của dân ca trong nền văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Ban Giám khảo gồm những thành viên uy tín, có trình độ chuyên môn, gồm: Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, thành viên Hội NSSK Việt Nam, Trưởng ban; NSND Thuý Hường, NSND Nguyễn Minh Thông, NSND Phan Muôn, Nhạc sĩ - NSƯT Lương Nguyên. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, chương trình được các đơn vị đầu tư, dàn dựng công phu, phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật quay, dựng hình được kết hợp nhuần nhuyễn, tạo nhiều yếu tố bất ngờ.
Dù bối cảnh nhiều khó khăn song nhiều chương trình đã tạo những điểm sáng, đa phong cách cho Hội diễn. Mỗi chương trình mang những sắc thái khác nhau, nhưng đều thể hiện được nét tinh tuý đặc trưng của các địa phương. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, yếu tố dân gian, qua thủ pháp trình diễn mới lạ hòa quyện cùng âm nhạc, hiệu ứng ánh sáng…, các chương trình mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, giá trị thẩm mỹ, đặc biệt có nhiều góc nhìn cận cảnh những lối sống, sinh hoạt văn hoá của các dân tộc ở mỗi vùng, miền.
Các tiết mục cũng chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa; truyền thống đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc; phản ánh sự đổi thay, những thành tựu của đất nước trên bước đường xây dựng và phát triển.
Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trương Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng Ban Giám khảo nhận định: “Song song với việc bảo tồn, giữ gìn những giá trị cốt lõi của các loại hình nghệ thuật truyền thống, các đơn vị đã dày công dàn dựng, sáng tạo nhằm giới thiệu đến công chúng những tiết mục đặc sắc, làm nổi bật chủ đề, tư tưởng, nội dung, ý nghĩa của Hội diễn…”.
Nhiều làn điệu lần đầu tiên được giới thiệu
Việc thực hiện ghi âm, ghi hình tham gia Hội diễn là một cách thích ứng, giúp các nghệ sĩ, diễn viên chắt lọc tinh hoa để sáng tạo, dàn dựng, trình diễn những tiết mục mang phong cách mới, vừa thấm đẫm truyền thống, vừa phù hợp với đời sống hiện nay. Qua đó, tác động đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật.
Đa sắc màu là bức tranh tổng thể của Hội diễn Đàn, Hát Dân ca 3 miền. Với chủ đề Ân tình câu ví, giặm, chương trình tham dự của Đội Nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An mang đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh; gồm các tiết mục: diễn xướng "Ngày hội quê hương"; Hát xẩm "Cõi bờ trong tiếng mẹ ru"; Đối ca dân ca Nghệ Tĩnh "O hàng bán rượu"; Diễn xướng "Tình quê trong nón lá". Những câu hát sâu lắng, lời đối đáp vui tươi, hóm hỉnh, dí dỏm và không kém phần duyên dáng dẫn dắt khán giả về với vùng đất địa linh nhân kiệt, non nước hữu tình và hiểu rõ hơn nguồn mạch tâm hồn của người dân xứ Nghệ.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh đến với Hội diễn với những làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca trù đặc sắc, gồm: "Cảng Nhà Rồng tiễn Bác", "Muối mắm nên duyên", "Đường lên cổng trời" và "Quê hương đổi mới". Các tác phẩm tập trung vào chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam; truyền thống đoàn kết dân tộc; phản ánh những thành tựu trên con đường xây dựng và phát triển.
Tham gia Liên hoan đàn, hát dân ca ba miền năm 2021, đoàn An Giang xây dựng chương trình có chủ đề Những điệu lý quê mình. Những giai điệu cuốn hút lần lượt mang đến cho hội diễn nhiều cảm xúc, với các tiết mục gồm: tốp ca múa Liên khúc "Những điệu lý quê hương"; hòa tấu Liên khúc "Lý con Sam - Lý đương đệm - Lý con khỉ"; múa độc lập "Lúa trời"; đơn ca nữ "Lý đầu cầu-Lý dĩa bánh bò"; ca múa "Phải thương nhau cùng".
Các nghệ nhân đến từ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Tây Ninh xây dựng chương trình đậm nét văn hóa địa phương, gồm các tiết mục: Đơn ca "Sông nước Tây Ninh - Về thăm Tây Ninh quê em"; hòa tấu nhạc cụ dân tộc Đảo ngũ cung 20 câu, cong ca "Lý con chuột", "Lý chuột và mèo", tốp ca hò phòng chống đại dịch Covid-19 theo điệu Hò dô ta và múa dân gian giới thiệu làng nghề chằm nón lá của Tây Ninh. Theo biên đạo Hồng Ân, chương trình được dàn dựng tái hiện không gian Tây Ninh xưa và nay với những nét đẹp trong đời sống văn hóa, bên Sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng là những gia đình giữ gìn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, là những bàn tay cần mẫn làm nên chiếc nón lá và những câu hát dân ca… Đó là tiếng lòng thiết tha của người dân Tây Ninh yêu cuộc sống.
NSƯT Lương Nguyên, thành viên Ban Giám khảo, nhận định, những tác phẩm tham gia Hội diễn nhìn chung có chất lượng cao, phản ánh đúng đời sống, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của các địa phương, vùng miền. “Các đơn vị văn hóa nghệ thuật hào hứng tham gia, nhiều tiết mục rất đặc biệt từ cách bảo tồn, dàn dựng và triển khai thành sản phẩm nghệ thuật. Đáng chú ý, có những làn điệu lần đầu tiên được giới thiệu trong hội diễn; hòa tấu đờn ca tài tử, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc được chú ý…”, NSƯT Lương Nguyên cho biết.
Theo BGK, năm nay có nhiều tiết mục độc tấu điêu luyện, cách thể hiện chuyên nghiệp, thể hiện trình độ cao về âm nhạc dân ca. “Có những đơn vị đầu tư rất sâu, như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bắc Ninh… Mặc dù đây đều là những tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 nhưng vượt trên những khó khăn đó, vẫn có nhiều tác phẩm nổi trội. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, chương trình tham gia được dàn dựng rất hoành tráng, cho thấy sự công phu, cấu trúc chặt chẽ từ ý tưởng cho đến triển khai tiết mục, cấu tạo thành chương trình. Từ chất liệu dân ca Nam Bộ, dù là điệu lý nguyên gốc hoặc có phát triển thì tất cả đều được kết nối xuyên suốt, trong một ý tưởng thống nhất”, NSƯT Lương Nguyên nhận xét.
Đánh giá cao về tính sáng tạo của nhiều chương trình tham gia Hội diễn, NSƯT Lương Nguyên cho rằng đây là những minh chứng sinh động cho các hoạt động bảo tồn vốn di sản văn hóa dân tộc. Với kinh nghiệm tham gia nhiều chương trình liên hoan dân ca, NSƯT Lương Nguyên nói, đây là hội diễn khiến ông thấy bất ngờ bởi có nhiều làn điệu lần đầu tiên được giới thiệu. Điều đó cho thấy thêm những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị tham gia, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.
“Những chương trình này có thể phát ở các đài địa phương hoặc có thể chọn lọc để phát ở những kênh lớn, qua đó lan tỏa sức sống của các làn điệu dân ca thấm đẫm chất văn hóa dân gian”, NSƯT Lương Nguyên nói./.
Theo Minh Ngọc/VOV.VN
https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/hoi-dien-dan-hat-dan-ca-3-mien-nam-2021-quang-ba-bao-ton-gia-tri-tinh-hoa-dan-ca-post914457.vov