Chặng đường hơn 70 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính. Nhưng cột mốc năm 1997 khi Vĩnh Phúc được tái lập đã để lại nhiều dấu ấn trong hành trình đổi mới và phát triển của tỉnh giai đoạn hội nhập.
Ngày 12/2/1950, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên với diện tích là 1.715km2 và 47 vạn người. Ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504 về hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau khi hợp nhất, tỉnh Vĩnh Phú có tổng diện tích hơn 5.103km2, với 1 thành phố, 3 thị xã, 18 huyện và gần 1,3 triệu dân. Sau gần 29 năm hợp nhất, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Và tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997.
Khi tái lập, tỉnh có diện tích hơn 1.370 km2 với 6 huyện, 1 thị xã, dân số 1,1 triệu người. Từ năm 1997 đến nay đã có nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính tỉnh và các huyện, thành phố trực thuộc. Cuối năm 2003, thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo được tái lập. Năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập vào thủ đô Hà Nội. Năm 2009, huyện Lập Thạch chia tách thành 2 huyện là Lập Thạch và Sông Lô. Việc tái lập tỉnh và thay đổi địa giới hành chính các huyện, thành phố trực thuộc là yêu cầu lịch sử khách quan và cũng là mong muốn chung của nhiều địa phương trong cả nước vào thời điểm đó.
Sau hơn 10 năm tái lập, một lần nữa địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc lại có sự thay đổi. Căn cứ theo Nghị quyết 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII, huyện Mê Linh chính thức được bàn giao và sáp nhập vào Thành phố Hà Nội kể từ ngày 1/8/2008. Đến nay, Vĩnh Phúc có có diện tích tự nhiên trên 1,2 triệu km2, dân số trên 1,1 triệu người gồm 2 thành phố: Vĩnh Yên và Phúc Yên, 7 huyện, 136 đơn vị hành chính cấp xã.
Là một trong những tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, song từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng nỗ lực, sáng tạo, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông với nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp những năm đầu tái lập, Vĩnh Phúc đã khai thác các tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông với trọng tâm phát triển công nghiệp là nền tảng, du lịch dịch vụ là mũi nhọn; quan tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Đến nay, sau 25 năm tái lập tỉnh, quy mô kinh tế của Vĩnh Phúc tăng gấp 70 lần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vĩnh Phúc luôn cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, trong đó có nhiều năm liền đạt trên 2 con số, có những năm tăng trưởng trên 20%. Vĩnh Phúc giờ đây đã trở thành trung tâm công nghiệp ô tô, xe máy, công nghiệp phụ trợ; Giá trị sản xuất ngành công nghiệp đóng góp 4,5% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.
Từ một tỉnh thu ngân sách hơn 100 tỷ đồng khi mới tái lập, đến năm 2002 Vĩnh Phúc đã vượt mốc thu ngân sách 1.000 tỷ đồng, đến năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương. Trong 2 năm 2020 và năm 2021 mặc dù tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, gấp gần 300 lần so với ngày đầu tái lập.
Dù nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, với dấu mốc năm 1997 khi Vĩnh Phúc được tái lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc đã không lùi bước trước khó khăn, luôn đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, chủ động vượt khó được lan tỏa từ tấm gương cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc để viết tiếp những trang sử hào hùng của đất và người Vĩnh Phúc trong tiến trình hội nhập và phát triển./.
Ngọc Anh