Cập nhật: 01/01/2022 07:40:00
Xem cỡ chữ

VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng thu hồi hơn 15.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Chiều 31/12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức hội nghị triển khai công tác ngành kiểm sát nhân dân năm 2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới hơn 54.700 vụ án hình sự (giảm 0,15% so với năm 2020), trong đó nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện khởi tố.

Các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại và khiếu kiện hành chính giảm so với cùng kỳ năm trước, ngành kiểm sát đã kiểm sát giải quyết hơn 384.000 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại; kiểm sát giải quyết hơn 26.200 vụ án hành chính sơ thẩm.

Trong năm, toàn ngành đã ban hành hơn 100.000 văn bản yêu cầu cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.4005 cuộc tại cơ quan điều tra.... Qua kiểm sát đã phát hiện, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 594 vụ án, đã ra quyết định hủy 147 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án thiếu căn cứ pháp luật. Qua đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của hoạt động tố tụng hình sự.

Về công tác giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, báo cáo cho thấy, năm 2021, VKSND Tối cao tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Một số vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, vụ lợi, chiếm đoạt, điển hình như vụ án tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), vụ án Nguyễn Duy Linh nhận hối lộ.

“Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, theo đó, đã thu hồi hơn 15.000 tỷ đồng, phong tỏa tài khoản và kê biên nhiều tài sản có giá trị lớn như cổ phiếu, bất động sản. Trong bối cảnh dịch Covd-19 nhưng VKSND tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả đã thu hồi hơn 2,7 triệu USD” –báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, toàn ngành đã ban hành hơn 9000 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Đáng chú ý, trong đó có nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục những vi phạm pháp luật trong việc xét giảm án, việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Cụ thể, Viện cấp cao 1 kháng nghị giám đốc thảm đối với quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với Phan Sào Nam – 1 trong 2 ông đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng, kết quả đã được HĐXX chấp nhận toàn bộ kháng nghị và tuyên hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh với phạm nhân này; VKSND tối cao kháng nghị, kiến nghị đối với những vi phạm pháp luật trong việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.../.

Theo Kim Anh/VOV.VN

https://vov.vn/phap-luat/thu-hoi-hon-15000-ty-dong-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-post915443.vov