Nhiều chục năm nay, cứ mỗi độ xuân về là nhân dân khắp nơi trong nước và du khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nô nức trẩy hội về Quảng Ninh, thăm Danh sơn Yên Tử, nơi vua Trần hóa Phật và kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).Ảnh: QUANG VINH
Năm 1994, vùng lõi của Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và được công nhận lần thứ hai với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo vào năm 2000. Lần thứ ba vào ngày 12/11/2011 (giờ Việt Nam), Vịnh Hạ Long được Tổ chức New Open World công bố là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Ấy là ý nghĩ chung của hàng triệu người Việt Nam và tất cả những ai thao thức với vẻ đẹp của tự nhiên đang cứu rỗi cuộc sống con người trước mọi hiểm họa về môi trường, môi sinh, trên phạm vi toàn thế giới. Và những ngày này, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn phủ một màu ảm đạm lên nhiều ngả đường của tất cả các châu lục, Vịnh Hạ Long vẫn hiện lên đẹp rạng rỡ huy hoàng trong tầm kiểm soát của những trí tuệ thông minh tỉnh táo Việt Nam.
Đã tròn 60 năm gắn bó với vùng văn hóa di sản này “ngang dọc trong hồn một trời gió muối”, lúc nào tôi cũng mơ màng “giữa khoảng ngập ngừng của vũ trụ”, cái khoảng ngập ngừng thần thánh, để Đấng Cao Xanh sinh ra Vịnh Hạ Long, ban cho tất cả mọi người, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở tất cả trên cõi đời này-những ai biết lấy CÁI ĐẸP làm giá trị của lương tri.
Tôi không sao quên được cái ngày Vịnh Hạ Long lần thứ ba nhận “vương miện toàn cầu” là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Lúc ấy, đỉnh các ngọn núi biên cương đã bạc trắng tóc vì sương gió và những cánh rừng nguyên sinh trên các đảo xa, lá cây xanh hoang dại đã lốm đốm úa vàng..., bỗng tất cả như bừng sáng, mơn mởn xinh tươi như chàng trai, cô dâu ngày cưới, cũng là lúc hoàng hôn đã buông xuống, một hoàng hôn đẹp nhất trên hành tinh này, mang một mầu tím biếc, bỗng chốc ngập biển, ngập núi, ngập trời. Một hoàng hôn khiến ta nao lòng, bởi nó chỉ hiện lên trong thẳm sâu của tâm hồn, được lưu lại đâu đó trong ký ức xa xăm của những mối tình dang dở, không biết từ thuở nào.
Vịnh Hạ Long âm thầm giấu đi vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng và đầy bí hiểm của mình, trong nỗi buồn xa vắng, mơ hồ và âm u của nước mây. “Những quả núi đá xanh của trời nhúng xuống lưng chừng nước/Màu nước mộng mơ xanh dâng lên đến tận trời…”, tôi đã viết những câu thơ như thế. Dửng dưng với mọi tiếng hò reo, tiếng nhạc bùng cháy, vang dội, những lá cờ phướn xanh đỏ phấp phới bay ngang trời.
Không hiểu sao, trong nỗi xao động khôn cùng ấy, tự nhiên và trước hết, tôi nghĩ đến các nhà thơ, những người đã đơn phương phải lòng Vịnh Hạ Long. Ai như Quách Mạt Nhược thi hào hiện đại Trung Hoa, đã phải thốt lên: “So với những cảnh này (cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long) thơ có cũng như không”. Ấy là nói vậy thôi, chứ thơ vẫn có đấy, từ non 800 năm trước, khi vị Vua Trần Thánh Tông, đã viết trong một đêm trăng lạ kỳ: “Hốt nhiên giai đắc thú/Vạn tượng sinh hào đoan”(Bỗng nhiên được thú lạ/Ngọn bút nảy muôn hình), để hôm nay ta có “Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm”, câu thơ rất nhiều khí trời ấy là của Huy Cận; “Trời tháng sáu cười từng bể bạc”, câu thơ rất giàu có ấy là của Chế Lan Viên; và “Ta ngả chào vừng non nước Hạ Long”, câu thơ rất nhiều hào quang ấy là của Xuân Diệu. Và nhiều nhiều nữa.
Biết bao nhà thơ và du khách, với nhiều mầu da và giọng nói, từ các châu lục, đã đến đây, mỗi người đều để lại ít nhiều tâm hồn mình, tạo thành màu mây, làm nên sắc nước, tỏa ra hương trời, để hàng trăm năm nay, mặt nước diệu huyền của Vịnh Hạ Long vẫn còn gợn sóng dịu dàng và biếc tím một màu hư ảo. Chúng ta đã chung sống với những tâm hồn cao sang và những mối tình hẹn ước độc nhất vô nhị ấy trong thăm thẳm thời gian.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Ngày thơ Quảng Ninh lần đầu được ra đời từ đây, ngày 29/3/1988, để rồi 15 năm sau, năm 2003, Ngày thơ Việt Nam được hình thành, tôn vinh vẻ đẹp của thi ca, của tâm hồn con người, mà ngoài thơ, không một thể loại nghệ thuật nào có thể diễn tả hơn được. Và cũng vì thế, tại đây trong một Ngày thơ, hơn 150 nhà thơ, đại diện cho vẻ đẹp tâm hồn của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã từ đây, thả những câu thơ lay động của các thế hệ thơ Việt Nam bay lên trong cõi ngập ngừng và xanh thẳm của vũ trụ.
Bạn ơi, bạn ơi, bạn có thấy chăng? “Những thú rừng khổng lồ sổng từ thuở hồng hoang/Lũ lượt đến quanh ta, giỡn đùa khoe sắc lạ…”, tôi đã viết thế, khi hình dung hình hài do đá vôi tạo thành, giống những con vật khổng lồ, khiến ta nghĩ, chúng đã sổng ra từ thuở hồng hoang, tụ tập tại đây, làm thành một bãi thú rừng đồ sộ, ngổn ngang, quẫy đạp cùng sóng biển; và cùng với nó, là những vòm cây nhỏ xinh đã có hàng trăm tuổi, có thể hàng nghìn tuổi, bám cheo leo vào vách đá dựng đứng, còn vương đâu đó trên mặt lá, hương vị thuở khai thiên lập địa; những hang động lung linh huyền ảo, như vốn có từ ngàn xưa trong các câu chuyện cổ. Mỗi cảnh quan và hang động, đều lưu giữ một huyền thoại, để tồn tại và nuôi dưỡng, vừa thiêng liêng, giản dị, vừa cay đắng, ngọt ngào do những dân chài sáng tạo ra trong quá trình ăn sóng, uống gió, vật lộn với giông bão, trong bóng sẫm huyền bí của các ngọn núi đá ngả xuống mặt nước biển xanh.
Vịnh Hạ Long đã trở thành giá trị ngoại hạng toàn cầu và việc bảo vệ nó là vì lợi ích của toàn nhân loại. Vịnh Hạ Long là CÁI ĐẸP. Mọi cái đẹp có ý nghĩa toàn cầu, đều huyền bí, linh thiêng không có chỗ tận cùng. Hãy bảo vệ báu vật này bằng mọi giá!
Theo TRẦN NHUẬN MINH
https://nhandan.vn/du-lich/vinh-ha-long-ky-quan-the-gioi-gia-tri-ngoai-hang-toan-cau-680820/