Từ hàng loạt các vụ trẻ bị mẹ kế, cha dượng bạo hành dã man dẫn đến hậu quả thương tâm, chuyên gia cho rằng trường hợp trẻ sống trong những gia đình có bố mẹ ly hôn, ly thân cần được đặc biệt quan tâm, chú ý, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bạo hành trẻ.
Sự việc cháu bé 8 tuổi tại TP.HCM bị mẹ kế là Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1996, quê Gia Lai) ra tay đánh đập dã man đến mức tử vong đang gây phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Đây không phải vụ việc đau lòng hy hữu khi những đứa trẻ bị chính người chăm sóc bạo hành dã man. Trước đó, vào cuối năm 2020, đối tượng Nguyễn Minh Tuấn (32 tuổi, Hà Nội) đã bị tuyên án tử hình do sử dụng ma túy, bạo hành con gái riêng 3 tuổi của vợ đến mức cháu bé tử vong. Mẹ của nạn nhân (30 tuổi) cũng phải nhận án chung thân sau khi cơ quan bảo vệ pháp luật xác định người này đã cùng chồng mới “dạy dỗ con”.
Những hình phạt nghiêm khắc nhất như tù chung thân, tử hình đã được tuyên, nhưng vẫn còn đó những kẻ không biết hoặc không sợ sự trừng trị của pháp luật, bất chấp trà đạp những đứa trẻ chưa đủ sức kháng cự.
Theo thống kê của Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, trung bình mỗi ngày tiếp nhận đến hơn 1.400 cuộc gọi và tư vấn gần 100 ca liên quan đến vi phạm quyền trẻ em.
Lực lượng bảo vệ trẻ em tại xã phường còn mỏng
Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, thời gian qua, có hàng loạt các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Dù đã có nhiều chiến dịch truyền thông không được sử dụng bạo lực với trẻ em phát đi các thông điệp như “roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”, nhưng dường như những chiến dịch này vẫn chưa “đủ độ” để thay đổi quan niệm “thương cho roi cho vọt”, hay bố mẹ có quyền đánh mắng để dạy dỗ con cái. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành trong gia đình, dù hàng xóm có nghe, có chứng kiến nhưng lại nghĩ rằng không nên can thiệp vào chuyện dạy dỗ con cái của người khác.
Theo bà Ninh Thị Hồng, công tác bảo vệ trẻ em đang rất yếu trong khâu truyền thông và phát hiện. Hiện nay, tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng rất nhiều. Những trẻ sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn, ly thân cần được gia đình, họ hàng và những người sống gần, chính quyền địa phương đặc biệt chú ý, nếu phát hiện những hành vi, dấu hiệu bạo hành trẻ cần ngăn chặn kịp thời và báo cho các cơ quan chức năng để bảo vệ trẻ và xử lý theo đúng quy định.
Bà Ninh Thị Hồng cũng cho rằng, hệ thống bảo vệ trẻ em lại các xã, phường thị trấn hiện nay còn rất mỏng: “Trước đây Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em là cơ quan ngang bộ phụ trách vấn đề về dân số, gia đình, trẻ em, nhưng hiện nay công tác bảo vệ trẻ em được đưa về Bộ LD-TB-XH do Cục Trẻ em phụ trách là quá nhỏ.
Nếu như trước đây Ủy ban có đội ngũ cộng tác viên ở tất cả các xã, phường, thị trấn, có hệ thống “chân rết” nắm bắt địa bàn, vừa làm công tác truyền thông vừa phát hiện, ngăn ngừa tình trạng bạo hành trẻ em thì nay lại không có mạng lưới này. Chính phủ cũng đã quy trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các xã, phường nơi xảy ra các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, nhưng có thể thấy hệ thống bảo vệ trẻ em còn quá mỏng. Cả nước có 1 Cục Trẻ em với vài chục công chức phụ trách, khi về đến từng xã phường, hầu hết cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em đều đang kiêm nghiệm rất nhiều công tác khác thuộc mảng lao động, thương binh và xã hội như người có công, thương binh liệt sĩ, hưu trí…”.
Tuy nhiên, bà Ninh Thị Hồng cũng nhấn mạnh, trong công tác bảo vệ trẻ em, trước tiên phải bắt đầu từ chính nhận thức của các thành viên trong gia đình.
Cơ quan chức năng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không can thiệp kịp thời các vụ bạo hành trẻ em
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, có một sự thật phải nhìn nhận là những người xâm hại, bạo lực trẻ nhiều nhất lại chính là các bậc cha mẹ hoặc người chịu trách nhiệm trực tiếp chăm sóc, gần gũi với trẻ hàng ngày. Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con tiến bộ, ngoan ngoãn, giỏi giang nhưng không nghĩ rằng để con mình có sự phát triển hài hoà thì bản thân cha mẹ cũng phải học cách làm cha mẹ. Nhiều người cho rằng phải đánh roi, úp mặt vào tường bắt chép nhiều trang, quát mắng, làm đau trẻ thì trẻ mới thấu hiểu lời răn dạy. Nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm.
Những năm qua, nhiều tổ chức, đoàn thể, phương tiện truyền thông ra sức quảng bá những kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ tích cực, kỷ luật không nước mắt. Muốn kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt mà con cái vẫn phát triển hài hòa và toàn diện, ngoài tiếp cận kiến thức, có hai nguyên tắc rất quan trọng là cha mẹ phải kiên trì, dành thời gian cho con và chính cha mẹ cũng cần học từng ngày từng giờ, không chỉ lý thuyết mà cả thực hành.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cho biết, Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 được pháp luật quy định là một trong những cơ quan tiếp nhận các thông tin tố cáo về hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, ngoài ra, tổng đài còn có chức năng tư vấn cho trẻ em, cha mẹ và những người quan tâm đến thực hiện quyền trẻ em, chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều người chưa biết đến đường dây nóng này.
Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, những hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp liên quan đến những trường hợp trẻ bị xâm hại được quy định rất rõ trong Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ. Tuy nhiên, về góc độ tư vấn, mỗi ca lại cách hỗ trợ, can thiệp khác nhau. Có khi Tổng đài 111 sẽ gọi ngay cho chính quyền và công an xuống can thiệp. Có khi tổng đài sẽ kết nối trực tiếp với người gia đình hoặc những người có uy tín như trưởng thôn, trưởng bản, giáo viên chủ nhiệm.
Trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể gọi 111 hoặc 113 vì 2 đường dây nóng như nhau. Nhưng tổng đài 111 còn có tác dụng tiếp tục theo dõi, giám sát, tư vấn. Trong trường hợp cơ quan chức năng chưa can thiệp, tổng đài 111 sẽ đôn đốc.
“Nếu lực lượng chức năng không can thiệp kịp thời, để xảy ra hậu quả nào đó thì pháp luật Việt Nam có chế tài xử lý. Mọi cuộc gọi đến, đi từ 111 đều được bảo mật và ghi âm làm bằng chứng.
Chúng ta chưa có cán bộ chuyên trách bảo vệ trẻ em ở cấp xã nhưng pháp luật quy định những người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em như công chức Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Đoàn thanh niên và đặc biệt là chủ tịch UBND cấp xã. Khi chủ tịch UBND xã, thị trấn, phường tiếp nhận cuộc gọi 111, đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp là người dân báo trẻ đang bị đánh, dù là vào đêm 30 Tết, mùng 1 Tết, vào nửa đêm nhưng cơ quan chức năng không can thiệp thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khi không có thiên tai thảm họa, dịch bệnh hoặc dịch bệnh đã lắng xuống thì ưu tiên nhất của UBND cấp xã là bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự của mỗi người dân nơi mình phụ trách mà trẻ em lại là đối tượng ưu tiên. Chúng ta cũng có công an chuyên nghiệp đến tận cấp xã nên hệ thống bảo vệ trẻ em đã được củng cố thêm một bước và có năng lực để phòng tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra", ông Nam cho biết./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/tu-vu-chau-be-8-tuoi-bi-bao-hanh-tu-vong-tre-co-bo-me-ly-hon-can-duoc-quan-tam-dac-biet-post916407.vov