Đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Sun Group, Vietravel, Tập đoàn Thiên Minh, Vietravel Airlines, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và nhiều doanh nghiệp lớn vừa ký thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về “Thời điểm mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam”.
Trong thư kiến nghị, đại diện các hãng hàng không, một số tập đoàn du lịch cùng đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành, quan tâm chỉ đạo sát sao, ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong suốt thời gian qua.
“Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng và Chính phủ, Việt Nam cũng đã đạt được kết quả vô cùng ấn tượng trong chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước tới nay. Đây là nền tảng đặc biệt quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh việc khôi phục hoạt động kinh tế, mở cửa lại ngành hàng không và du lịch với bạn bè quốc tế” – thư kiến nghị viết.
Đại dịch Covid-19 khiến hàng trăm con tàu phải nằm im tại cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: Trường Giang
Bức thư nêu rõ, về phía các doanh nghiệp hàng không và du lịch, thời gian 2 năm qua đã hứng chịu những tổn thất chưa từng có trong lịch sử. Mặc dù đã hết sức nỗ lực, cố gắng để vượt qua từng giai đoạn khốc liệt của dịch bệnh nhưng ở thời điểm này sau 2 năm gần như “đóng băng” hoạt động, lực của các doanh nghiệp cũng đã hoàn toàn cạn kiệt. Quyết định mở cửa du lịch quốc tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính là cơ hội duy nhất để “cứu sống” các doanh nghiệp, “cứu sống” 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành và hàng triệu lao động gián tiếp khác.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Vũ Hoàng - Giám đốc ban Tiếp thị Truyền thông Vietravel Airlines cho biết: Mở cửa du lịch thì không chỉ riêng Vietravel Airlines có thể phát huy thế mạnh vốn có của mình mà còn là động lực cho việc khôi phục lại toàn bộ ngành du lịch Việt Nam đã chịu tác động tiêu cực trong suốt 2 năm đại dịch vừa qua. Trong đó, không chỉ riêng Vietravel Airlines mà toàn ngành hàng không gặp rất nhiều tổn thất, nhưng có lẽ chỉ số tài chính và nguồn nhân lực là 2 yếu tố được nhắc đến nhiều nhất.
“Riêng Vietravel Airlines có đội tàu bay nhỏ nhất trong các hãng cũng đang phải chịu những tổn thất tài chính vượt hơn 205% so với kế hoạch ban đầu. Song song đó, chảy máu nhân sự của ngành hàng không cũng là những con số báo động khi hơn 50% lao động ngành đang phải làm các việc khác để trang trải cuộc sống. Nếu tiếp tục trì hoãn, chúng tôi không thể biết được rằng còn bao nhiêu lao động chuyển việc và khi phục hồi thì nhân sự lấy đâu ra? Bài toán này không chỉ của riêng ngành hàng không mà là toàn bộ ngành du lịch nói chung” – ông Nguyễn Vũ Hoàng cho biết.
Hai năm qua, các doanh nghiệp hàng không và du lịch đã hứng chịu những tổn thất chưa từng có trong lịch sử. Nguồn: Vietravel Airlines
Trước thực trạng đó, bức thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công bố ngay trong đầu tháng 2 “Thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam” để tạo “lực đẩy mạnh” và để các địa phương cùng các doanh nghiệp vận tải, cư trú và lữ hành có mốc thời gian chuẩn bị, mặc dù mốc thực tế để mở hoàn toàn có thể là 31/3 hay 30/4/2022.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kiến nghị các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và ban hành quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế, bao gồm điều kiện trước khi khách lên máy bay, quy trình sau khi xuống máy bay và trong suốt quá trình du lịch theo hướng giảm thiểu tối đa các quy định hiện hành không cần thiết.
Theo đó, gỡ bỏ quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú đối với hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay; xem xét gỡ bỏ yêu cầu hành khách test nhanh tại sân bay đối với các hành khách đủ điều kiện nêu trên và có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch dương tính với SARS-CoV-2.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) phối hợp chặt chẽ cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch để phát động lại các nguồn khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.
Ngoài việc khôi phục toàn bộ các chương trình miễn thị thực đơn phương, song phương và thị thực điện tử cho du khách, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cân nhắc mở rộng chương trình miễn thị cho khách du lịch quốc tế tại các thị trường chiến lược, trọng điểm như toàn bộ châu Âu, Australia và Bắc Mỹ; cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực từ 14 ngày lên 30 ngày theo xu hướng du lịch mới của du khách là đi dài ngày hơn./.
Theo Hải Nam/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/hang-khong-du-lich-gui-thu-cau-cuu-chinh-phu-ve-mo-cua-du-lich-quoc-te-post921109.vov