Dạy thêm không xấu, bởi người thầy với cái tâm sáng trong và năng lực sư phạm sẽ thu hút học sinh. Nhưng tại sao dư luận lại phản ứng mạnh mẽ, tiêu cực về nhu cầu dạy thêm của giáo viên như thế?
Nên cấm hoàn toàn việc học thêm ở bậc tiểu học bởi chương trình không khó.
Dạy thêm học thêm vẫn luôn làm nóng nghị trường và khiến dư luận "dậy sóng" mỗi khi được đem ra luận bàn, mổ xẻ, phân tích, tranh cãi. Bởi nó tác động lớn đến mỗi gia đình có con trẻ đang tuổi đến trường và đời sống, nhân cách và phẩm chất của người thầy.
Sau bao năm dài đằng đẵng, lối ra tươi sáng cho hiện trạng dạy thêm học thêm vẫn chưa thể khơi thông: Giáo viên dạy một cách trong sáng và nhận đồng lương một cách trân trọng từ phụ huynh. Học sinh học một cách say mê và tích cực từ nhu cầu chính đáng và thu hoạch kiến thức, kỹ năng xứng với "đồng tiền bát gạo" bỏ ra.
Dạy thêm không xấu, bởi người thầy với cái tâm sáng trong và năng lực sư phạm sẽ thu hút học sinh đến học, vừa cải thiện thu nhập vừa giúp học sinh bổ trợ kiến thức và dùi mài năng lực. Nhưng tại sao dư luận lại phản ứng mạnh mẽ, thái quá và tiêu cực về nhu cầu dạy thêm của giáo viên như thế?
Bởi những tiêu cực trong dạy thêm học thêm cứ ngày ngày trưng ra quá nhiều biểu hiện đẩy cơn bức xúc của dư luận lên cao. Những phân biệt đối xử giữa trò học thêm và không theo lớp của cô giáo ở nhà, rồi tình trạng "gạ đề", "găm bài" và lấy điểm số làm "mồi nhử" đã từng xảy ra. Lời xầm xì thầy cô này kia dạy thêm kiếm mỗi tháng trăm triệu cứ thế đổ dồn thêm tai tiếng khiến dư luận có cái nhìn cực kỳ xấu xí về hiện trạng nhà giáo dạy thêm.
Trước cơn sóng bức xúc của dư luận, ngành giáo dục nhiều lần ra thông tư, chỉ thị nghiêm cấm tình trạng dạy thêm tiêu cực. Nhưng thú thật, sự vào cuộc của cơ quan chức năng còn mang tính chất đối phó dư luận, bởi một vài vụ xử phạt thật sự chỉ như "muối bỏ biển" trước thực trạng lớp học thêm mở tràn lan và dày đặc.
Tôi còn nhớ như in cách đây mấy năm, khi lệnh cấm dạy thêm căng như dây đàn được thực thi, những lớp học thêm "xé rào" vẫn manh nha tồn tại. Bọn trẻ đi cửa sau vào nhà thầy cô sau buổi học chính khóa. Bọn trẻ cất gọn ghẽ giày dép và im ỉm lên tầng trên để việc dạy học tránh ánh mắt của dư luận. Còn phụ huynh được dặn dò cẩn thận đưa con đến học thế nào, đứng chờ con thế nào, đón con thế nào… để qua mặt cơ quan chức năng.
Rồi ngành giáo cấm giáo viên dạy trực tiếp học sinh trên lớp và mở lớp dạy thêm tại nhà, thế là thầy cô lại nhờ người có bằng sư phạm đứng ra mở trung tâm để danh chính ngôn thuận đến dạy ở trung tâm và tất nhiên là công khai tuyển học sinh. Những câu chuyện bi hài ấy vẫn tồn tại đầy trêu ngươi và nhức nhối. Và khi cơn sóng ầm ĩ của lệnh cấm dạy thêm tạm nguôi ngoai, thực trạng dạy thêm học thêm vẫn đi vào lối mòn xưa cũ: tràn lan và không ít tiêu cực.
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ chúng ta không nên phủ nhận hoàn toàn lợi thế của việc học thêm. Đúng như một vị đại biểu Nguyễn Công Long đã từng chia sẻ trong phiên chất vấn cách đây chưa lâu rằng: "Con em chúng tôi đỗ đạt là nhờ học thêm". Việc người học chọn lớp học thêm chất lượng để mở rộng cánh cửa tương lai là hoàn toàn chính đáng.
Chúng ta cũng nên có cái nhìn công tâm với người thầy khi họ dùng tri thức và nhân cách của mình để "bán" món hàng và thu lợi nhuận hợp lý. Và chúng ta chỉ nên cật lực phê phán, đả kích những người thầy bị mờ mắt trước đồng tiền rồi dùng thủ đoạn lôi kéo học sinh đến lớp học thêm!
Tôi chỉ xin kiến nghị với cơ quan chức năng: Nên cấm hoàn toàn việc học thêm ở bậc tiểu học! Bởi chương trình ở những lớp đầu tiên trong bậc học chưa đến mức quá khó và quá dài để sau một ngày bán trú ở trường, các cháu còn phải ôm cặp đến lớp học thêm đến mức mụ mị.
Đó là còn chưa kể bọn trẻ mới tập tành việc học, cần để các cháu cảm nhận niềm vui làm bạn với tri thức chứ không thể dội thêm áp lực học hành bởi các lớp học thêm!
Theo Nguyễn Thanh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nen-cam-day-them-hoc-them-o-bac-tieu-hoc-vi-qua-nhieu-tieu-cuc-bi-hai-20220307132339086.htm