Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italy đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận luật sư tại Italy để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp kiểm soát các lô hàng.
Liên quan đến vụ 100 container hạt điều của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Italy có dấu hiệu bị lừa đảo, Bộ Công Thương đã nhanh chóng hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất.
Ngay khi nắm bắt thông tin về vụ việc, Bộ đã chỉ đạo Tham tán Thương mại tại Italy trực tiếp đến các cảng Genova, Napoli là những nơi mà các lô hàng được đưa đến, làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng và chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ vụ việc.
Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận luật sư tại Italy để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát các lô hàng.
Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng đã liên hệ với công ty môi giới các hợp đồng mua bán hạt điều nói trên, đề nghị cung cấp thông tin và tích cực hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để xử lý, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Công Thương đã có công hàm gửi Đại sứ quán Italy tại Việt Nam, cử cán bộ đến làm việc với Đại sứ quán, đề nghị Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan của Việt Nam để giải quyết vụ việc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Italy đề nghị các Bộ trưởng của Italy quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy nhằm nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hình ảnh và uy tín của các doanh nghiệp Italy.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong hoạt động thương mại quốc tế vẫn xảy ra những rủi ro, trong đó có hoạt động lừa đảo. Vụ việc các container điều xuất khẩu sang Italy hiện vẫn chưa có kết luận về bản chất, nhưng nếu đây đúng là một vụ lừa đảo thì tính nghiêm trọng thể hiện ở việc liên quan đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với khối lượng lên đến hàng chục container điều. Việc này cho thấy vụ lừa đảo đã được dàn dựng tinh vi trên quy mô lớn.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay trong thương mại quốc tế, các hình thức thanh toán gồm điện chuyển tiền (T/T); trả tiền nhận chứng từ (D/P); thư tín dụng (L/C); trong đó, L/C được đánh giá là phương thức thanh toán an toàn nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nhân điều thường dùng phương thức thanh toán T/T, D/P và CAD (thanh toán chứng từ trả tiền ngay) khi ký hợp đồng.
Phương thức D/P hoặc CAD bớt rủi ro không được thanh toán cho người bán và cũng không mất nhiều thời gian, không yêu cầu người mua phải ký quỹ tại ngân hàng nên thường được cả người mua, người bán cùng chấp nhận, từ đó hình thành thông lệ quốc tế trong kinh doanh.
“Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể các L/C,” ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Nhân vụ việc này, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.
Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường,... Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng lưu ý các các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/hang-loat-container-hat-dieu-xuat-khau-bi-mat-kiem-soat-bo-cong-thuong-vao-cuoc-post930648.vov