Đục thủy tinh thể là tình trạng rối loạn thị lực do cấu trúc protein của thủy tinh thể bị thay đổi dưới tác động của các chất gây hại sinh ra từ bên trong cơ thể hoặc từ môi trường bên ngoài.
Ai cũng có thể bị đục thủy tinh thể nhưng tỉ lệ người cao tuổi mắc và cần phải thay chiếm đa số. Bệnh đục thể thủy tinh có thể được chia thành 4 mức độ: Đục bắt đầu, đục tiến triển, đục gần hoàn toàn và đục hoàn toàn.
Dù là thủy tinh thể bị đục loại nào thì về cơ bản, tình trạng đục thường là do cấu trúc và tỉ lệ các phân tử protein bị biến đổi, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể, cản ánh sáng đến võng mạc và gây giảm thị lực.
Phân loại đục thủy tinh thể
1. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể ở người cao tuổi
Phần đông người mắc bệnh là người lớn tuổi. Nguyên nhân đến từ quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Một vài nguyên nhân khác như rối loạn bẩm sinh hoặc do tai nạn, chấn thương và biến chứng của các bệnh lý toàn thân.
Quá trình lão hóa: quá trình này khiến protein thể thủy tinh bị biến đổi làm thay đổi chiết suất của nó.
Mắc các bệnh về chuyển hóa, bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp. Mắc các bệnh về mắt như glocom, viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, giác mạc…
Tiếp xúc với tia cực tím, sử dụng thuốc điều trị gây tác dụng phụ cho mắt.
2. Dấu hiệu nhận biết khi người cao tuổi bị đục thủy tinh thể
Bệnh diễn tiến từ từ và không gây đau đớn nên khó phát hiện. Chỉ đến khi người bệnh thấy thị lực giảm, nhìn mờ và xuất hiện các triệu chứng sau mới tới gặp bác sĩ:
Giảm thị lực: Đây là triệu chứng quan trọng giúp cho bác sĩ chẩn đoán bệnh.
Rối loạn thị giác: Bị lóa mắt (tùy thuộc lượng ánh sáng chiếu vào); cận thị hóa (không cần đeo kính lão khi nhìn gần); Song thị một mắt (nhìn thấy một vật thành hai hay nhiều hình)
Màu sắc đồng tử bị thay đổi.
Nếu bị biến chứng thì thấy các triệu chứng ở các bộ phận khác của nhãn cầu như mống mắt, đồng tử, giác mạc…
3. Chẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể ở người cao tuổi.
Để biết chính xác người bệnh có bị đục thủy tinh thể hay không bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực và hỏi về tiểu sử bệnh lý để đưa ra những giải pháp điều trị đúng và chính xác.
Ở giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ sử dụng kính hỗ trợ và cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho mắt. Với những trường hợp đục thủy tinh thể giai đoạn đầu chưa cần thiết phải phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cho bổ sung một số vitamin như A, C, E… và một số hoạt chất khác để làm chậm lại tiến trình đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường ánh sáng trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khói bụi.
Nếu bệnh nhân không đáp ứng được kính thì lúc đó sẽ thay thủy tinh thể nhân tạo. Hiện nay phẫu thuật Phaco là một trong những phương pháp an toàn và hiệu quả trong việc cải thiện thị lực cho người bệnh.
4. Các biện pháp phòng ngừa sau mổ cho người cao tuổi
Đục thể thủy tinh là một bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Nó gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Bệnh có thể chữa khỏi sau phẫu thuật. Để duy trì tốt mắt sau phẫu thuật, người bệnh và người nhà cần thực hiện:
Nên đi khám mắt ngày từ khi có các triệu chứng: Nhìn mờ,mắt bị nhức, mắt khô, rát.
Nên tăng cường cho dinh dưỡng, các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tự nhiên từ rau quả như cà chua, cà rốt, các loại ngũ cốc, rau xanh.
Đeo kính chống bụi để bảo vệ mắt không bị dính các vật lạ đồng thời hạn chế động tác dụi mắt vì ngứa.
Hạn chế xem tivi, sử dụng máy tính, ipad, đọc sách báo sau khi phẫu thuật.
Không nên dụi mắt, đè tay lên mắt, hạn chế tiếp xúc môi trường ô nhiễm sau phẫu thuật 1 tháng.
Tránh xa các yếu tố nguy cơ gây hại thủy tinh thể như rượu bia, khói thuốc lá…
Nên kiểm tra mắt định kỳ.
Hàng ngày rửa mi mắt bằng gạc và nước rửa mắt để lấy đi chất dịch bám vào mắt. Bệnh nhân phải sử dụng thuốc nhỏ mắt và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ .
Tránh đồ ăn cứng, thực phẩm gây viêm, gây sẹo lồi và tăng quá trình tạo mủ.
Theo ThS. Hà Hùng - BV Lão khoa TW/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/cach-cham-soc-mat-sau-mo-duc-thuy-tinh-the-o-nguoi-cao-tuoi-169220410094414468.htm