Cập nhật: 18/04/2022 08:17:00
Xem cỡ chữ

Xã đảo Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa từ lâu đã nổi tiếng bởi hai hòn đảo Bình Ba, Bình Hưng gắn liền với nghề nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển.

Chú thích ảnh

 Khu vực nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh của người dân xã đảo Cam Bình (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).

Quy mô và sự chuyên nghiệp của nghề ở nơi đây đã giúp người dân nâng cao thu nhập, địa phương phát triển kinh tế. Nhờ đó, bộ mặt của Cam Bình hôm nay đã thay đổi ấn tượng. Dẫu còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhân dân Cam Bình quyết tâm vượt qua khó khăn để cùng phát triển quê hương.

Đến thăm đảo nuôi tôm hùm nổi tiếng cả nước

Theo chân đoàn Hội Phụ nữ Khối trực thuộc các đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty Yến sào Khánh Hòa, Đoàn Luật sư tỉnh, huyện Trường Sa đến thăm Cam Bình vào ngày mưa trái mùa đầu tháng 4/2022, vùng biển trước mắt của chúng tôi hiện dần lên đâu đâu cũng là ô, lồng nuôi tôm hùm của người dân. Sát vào bến, có hàng chục con tàu đánh cá neo đậu sau khi kết thúc chuyến đánh bắt trở về. Điều ấn tượng hơn là chuyến tàu từ đất liền xuất phát cùng lúc với chúng tôi cũng vừa cập bến, người dân trong xã vội vàng vận chuyển hàng hóa lên bờ để kịp bán chợ lúc đang còn sớm. Tiếng người, tiếng xe rộn rã cả một góc bình yên của đảo Bình Ba. Từ đây, chúng tôi cảm nhận được sự sung túc của xã đảo này.

Từ cảng Ba Ngòi đến với Cam Bình có biển động nên làm cả đoàn lo lắng. May mắn thay, sau một tiếng di chuyển trên cano đoàn cũng đến nơi an toàn với sự chào đón thân thiện của người dân trên xã đảo. Tàu vừa cập bến, đón chúng tôi là những chú bộ đội Đồn Biên phòng Đồn Bình Ba. Vừa đưa quà từ đất liền lên, Trung tá Đặng Đình Đông, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Ba liền giới thiệu về xã Cam Bình để cả đoàn dễ hình dung.

Xã Cam Bình là một trong 6 xã của thành phố Cam Ranh (ngoài ra thành phố còn có 9 phường), có vị trí 4 hướng đều giáp biển Đông, đó là 2 đảo Bình Ba, Bình Hưng. Đảo Bình Ba chúng tôi đến hôm nay có 3 thôn với hơn 1.000 hộ dân. Phần lớn người dân trên hai đảo đều làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, trong đó nghề nuôi tôm hùm ở đây nổi tiếng khắp cả nước.

Trung úy Cao Văn Hải, Phó Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đồn Bình Ba trực tiếp đưa tôi về nhà văn hóa xã. Trên đường đi, anh bộ đội trẻ kể về người dân của xã đảo đã sống và vượt qua khó khăn do cách trở địa lý như thế nào; kể chuyện công việc thường ngày của mỗi người lính biên phòng canh giữ biển trời biên giới quê hương và công tác vận động quần chúng chấp hành các chủ trương, quy định của pháp luật khi hoạt động và hành nghề ở trên biển.

Chị Võ Ngọc Thị Mỹ Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam Bình cho biết: Cam Bình ngày trước để lại nhiều ấn tượng xấu cho khách phương xa bởi tập quán nuôi tôm hùm của người dân, hễ cho tôm ăn thức ăn xong lại xả bao nilon thẳng ra biển. Nhưng từ lâu, Ủy ban nhân dân xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân thu gom rác, bảo vệ môi trường. Xã đã hình thành các tổ tự quản theo quy mô nhỏ nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ viên trong việc phát triển ngành nghề đặc thù của địa phương; đồng thời thiết thực bảo vệ môi trường, giảm dịch bệnh cho tôm, đem lại hiệu quả kinh tế trong việc nuôi tôm hùm của người dân ở 2 tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng.

 “Tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên đảo Bình Ba. Cảnh vật trên đảo Bình Ba và Bình Hưng rất yên bình. Điều kiện tự nhiên nơi đây đã nuôi sống và hun đúc nên con người miền biển mạnh mẽ, giỏi giang, dám làm giàu và theo đuổi cuộc sống tốt hơn. Mọi thứ trên xã đảo đều thay đổi dần và môi trường trên xã đảo giờ đây xanh, sạch hơn rất nhiều", chị Hiền khẳng định.

Anh Phan Ngọc Huy, một người dân ở Bình Ba kể: Hồi trước Bình Ba và Bình Hưng ai nuôi tôm hùm cũng “trúng”. Nhiều nhà trong vùng giàu lên từ tôm hùm, rồi bà con ở đây cũng bắt đầu nuôi rộng rãi. Qua bao nhiêu năm, nước vùng nuôi rất dễ ô nhiễm, giá cả cũng bấp bênh, cứ vậy việc nuôi tôm hùm không còn thuận lợi như trước nên anh chuyển sang làm dịch vụ cho người dân đến tham quan dã ngoại trên đảo.

“Lúc trước vẫn có người dân đến dã ngoại ở đây, nay dịch COVID-19 cộng thêm các quy định mới nên chỉ có người dân trên đảo sống với nhau. Tôi cũng không chạy xe chở khách tham quan được nên chuyển sang phụ vợ bán hàng quán tại chợ. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng hai con đều được vợ chồng tôi cố gắng lo ăn học đầy đủ để sau này khỏi vất vả như bố mẹ chúng”, anh Huy tâm sự.

Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình cho biết, hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt gần 90 ha, trong đó trên đảo Bình Ba 58 ha và đảo Bình Hưng 30 ha, với 469 bè nổi, gần 20.000 lồng chủ yếu nuôi tôm hùm xanh. Thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng trên địa bàn đã mang lại thu nhập cao cho kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, đa số vùng nuôi của người nông dân đều là tự phát nên khi bị thiệt hại đều không được hỗ trợ. Đơn cử như đợt sóng gió cuối năm 2021, theo thống kê của Hội Nông dân, người nuôi tôm nơi đây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng  Hội cũng chỉ dừng lại ở mức độ động viên bà con khắc phục thiệt hại, hỗ trợ vay vốn, giãn nợ chứ chưa thể hỗ trợ các chính sách kèm theo.

“Nếu tôm hùm xanh được giá trên 1,2 triệu đồng/kg thì nông dân có lãi từ 25-40 triệu đồng/lồng nuôi. Tuy nhiên, giá cả tôm hùm bấp bênh theo mùa vụ nên nông dân nuôi tôm cũng trăn trở dữ lắm. Có điều, nhờ nuôi tôm hùm thay cho nghề đánh bắt thủy sản trên biển mà đời sống của người dân Cam Bình cũng trở nên khá giả hơn ngày xưa rất nhiều”, ông Lâm Tuấn Anh nói.

Bộ mặt xã đảo thay đổi rõ rệt nhờ tôm hùm

Chú thích ảnh

Người dân trên đảo Bình Ba chuyển hàng từ các chuyến tàu ở đất liền chở hàng hóa ra xã đảo Cam Bình. 

Đi tiếp vào trong khu vực hành chính của xã Cam Bình, gặp chúng tôi, ông Nguyễn Ân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cam Bình rất tự hào khi nói đến xã đảo tiền tiêu của vịnh Cam Ranh. Cam Bình cách đất liền 15 km, lịch sử ghi chép của địa phương ngày nay chứng thực các đảo của xã đã tồn tại hàng trăm năm. Năm 1993, khi ông Ân lần đầu đến với Bình Ba, nơi đây vẫn là một hòn đảo có rất ít nhà xây, ấy vậy nhưng chỉ một thời gian ngắn sau này, khi thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nông thôn mới, bộ mặt xã đảo thay đổi rõ rệt.

Cam Bình là một trong 10 xã đầu tiên của Khánh Hòa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, với 100% đường trục thôn đã được bê tông hóa; đường ngõ xóm sạch và không lầy lội, bê tông hóa đạt 99%, phục vụ việc đi lại, sinh hoạt cho nhân dân trên đảo. Hai bến cảng mới cũng được xây dựng trên hai đảo Bình Ba và Bình Hưng, phục vụ cho tàu thuyền đánh bắt của ngư dân ra vào. Chợ mới được xây dựng 2 tầng khang trang trên đảo Bình Ba.

Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia và có phân trạm ở thôn Bình Hưng. Người dân trên xã đảo sử dụng nước hợp vệ sinh, mùa khô vẫn đảm bảo được nước sinh hoạt tại chỗ. Xã đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao, cả 4 thôn đều có khu sinh hoạt văn hóa. Xã có 2 điểm bưu điện văn hóa nằm trên 2 đảo và 6 điểm truy cập internet phục vụ tốt nhu cầu bưu chính viễn thông của người dân…

Năm 2019, thu nhập trên đầu người của người dân xã đảo bình quân đạt 51,3 triệu đồng, hầu hết nhờ phát triển việc đánh bắt và nuôi tôm hùm xuất bán. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 nên thu nhập người dân trên địa bàn xã bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là thách thức rất lớn cho chính quyền và nhân dân xã đảo Cam Bình.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân thả giống nuôi tôm hùm cân bằng trong cung và cầu, để đảm bảo giá tôm hùm đầu ra không trượt giá mà người nuôi cũng không phải đầu tư nhiều để lỗ. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của xã sẽ cùng với người dân tiến hành các thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP để nâng cao giá thành tôm hùm cũng như bình ổn thị trường đầu ra về lâu về dài”, ông Ân nêu giải pháp.

Ngày nay, cuộc sống đủ đầy, người dân của xã đảo đã thay đổi thói quen cho đến tư duy hành động rất lớn. Tất cả các hộ dân đều cho con đi học đến hết bậc Trung học cơ sở. Nhiều nhà có điều kiện gửi con vào đất liền học tiếp bậc Trung học phổ thông do trên xã đảo chưa có trường học cấp này.

Em Chu Quỳnh Anh, học sinh Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Bình Ba, xã Cam Bình cho biết, năm nào đi học em cũng là học sinh giỏi. Em rất yêu thích việc học và sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này làm một công dân có ích, giúp đỡ phát triển địa phương được tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trường học cấp III thì ở trong đất liền nên sau này em cũng chưa biết sẽ đi học như thế nào.

Đem trăn trở của của em Chu Quỳnh Anh chia sẻ với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, ông Nguyễn Ân ưu tư nói: "Đây chính là khó khăn lớn khiến không chỉ chính quyền mà người dân cũng như các em học sinh trên đảo đều quan tâm. Về giáo dục, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động phụ huynh cho con em đi học văn hóa hoặc học nghề, phấn đấu giai đoạn 2021 -2025 đạt kết quả học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt từ 90 -95%."

Cam Bình hôm nay "thay da đổi thịt" là điều mà bất cứ người dân nào ở xã đảo này cũng nhận thấy. Chính quyền và người dân xã đảo Cam Bình quyết tâm giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời phấn đấu đạt thêm một số tiêu chí nâng cao theo Bộ tiêu chí mới của Ủy ban nhân dân tỉnh. Quân và dân Cam Bình sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội; phối hợp với các lực lượng giữ vững quốc phòng, an ninh trên xã đảo tiền tiêu, giữ gìn sự bình yên cho vịnh Cam Ranh.

Theo Bài, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/doi-thay-o-cam-binh-vung-nuoi-tom-hum-noi-tieng-khanh-hoa-20220408074024862.htm