Cập nhật: 27/04/2022 07:54:00
Xem cỡ chữ

Tuy có vẻ ngoài kém hấp dẫn, “bốc mùi” thum thủm nhưng bún cua thối lại là đặc sản nức tiếng phố núi Gia Lai.

Bún cua thối (hay còn gọi là bún mắm cua, bún thối) là đặc sản ở phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì món ăn được làm từ nguyên liệu cua “bốc mùi”. Đây cũng là cách để người địa phương phân biệt món bún này với các loại bún riêu cua hay món chế biến từ cua khác.

Thoạt nhìn, bún cua thối khá giống các món bún trộn với thành phần nguyên liệu chính là bún và cua. Thế nhưng, món ăn này lại được xem là có khả năng “đuổi khách”, khiến bất cứ ai thưởng thức lần đầu cũng dè chừng vì “bốc mùi” khó ngửi từ phần nước dùng đen đặc. 

Đặc sản bún cua thối của phố núi Gia Lai (Ảnh: digialai.com)

 Tuy chỉ gồm những nguyên liệu quen thuộc nhưng điều làm nên cái ngon của bún cua thối chính là cách chế biến kỳ công. Để làm món bún cua thối, người địa phương thường chế biến cua được bắt ở đồng Phú Thọ (tức Đồng Xanh, xã An Phú, TP. Pleiku).

Chỉ cua sống ở đây mới có mùi vị ngon và thơm hơn các loại cua khác. Cua đồng tươi được rửa sạch, bỏ mai, lấy phần thân đem giã hoặc xay nhuyễn rồi lọc lấy nước. Nước cua được ủ lên men khoảng một ngày đêm cho đến khi chuyển sang màu đen và bốc mùi thum thủm.

Bún cua thối khá kén người thưởng thức nhưng một khi đã nếm lại khó lòng quên được (Ảnh: digialai.com)

Bằng kinh nghiệm nhiều năm, người dân địa phương sẽ biết cách cân đối để đảm bảo ủ nước cua đủ và đúng thời gian, tạo mùi vị đạt chuẩn. Nếu nước cua nặng mùi quá hoặc ít mùi thì khi chế biến cũng không ngon.

Bắc phần nước cua đã lên men lên bếp, đun sôi liu riu với lửa nhỏ rồi cho thêm măng tươi thái mỏng. Đun càng lâu, măng càng tiết ra vị ngọt khiến nồi nước dùng đậm đà hơn, người ta cũng cho thêm cả trứng vịt chín vào nồi nước.

Ngoài bún, măng, trứng, món bún cua thối còn được ăn kèm da heo chiên giòn với hành phi, đậu phộng, nem chua, chả,... rồi chan cùng nước dùng đen ngòm, đặc sánh, bốc mùi thum thủm. 

Một tô bún cua thối đầy đủ gồm bún, nước dùng đặc sánh và tuỳ theo sở thích của thực khách có các nguyên liệu đi kèm như da heo chiên, đậu phộng, bánh phồng, nem chua, chả… (Ảnh: digialai.com)

Những người thưởng thức lần đầu thường không dễ dàng để nếm thử bún cua thối nhưng với ai đã ăn quen thì sẽ cảm nhận được vị ngon đặc trưng của đặc sản này.

Bún cua thối ăn kèm với rau sống. Thực khách có thể trộn đều các nguyên liệu lên rồi thưởng thức hoặc chan nước dùng riêng để ăn khô. Dù thưởng thức theo cách nào thì món ăn cũng để lại dư vị khó quên với thực khách.

{keywords}

Món bún cua thối có vị hăng nồng, nặng mùi của nước dùng kết hợp cùng chút chua cay, mằn mặn nơi đầu lưỡi. Tuy có mùi khó ngửi nhưng phần nước dùng đen đặc sệt từ cua lên men lại được xem là linh hồn của món ăn.

Thực khách có thể cho thêm chanh, ớt, mắm tôm tùy theo khẩu vị và ăn khô hay ướt tùy ý (Ảnh: Ngoisao)

Đến Gia Lai, du khách có thể dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức bún cua thối tại nhiều quán ăn ven đường hay trong các khu chợ truyền thống. Mỗi suất bún cua thối có giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng, thích hợp với mọi đối tượng.

Theo Phan Đậu/vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/mon-bun-thoi-gay-nghien-an-voi-nuoc-dung-boc-mui-thum-thum-o-gia-lai-771765.html