Trong 4 tháng đầu năm 2022, bức tranh kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc có nhiều chuyển biến nhờ các chính sách mở cửa, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ cũng như của tỉnh. Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần sự hỗ trợ lớn từ nguồn vốn tín dụng, Ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tăng cường kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 4 năm 2022, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 111.500 tỷ đồng, tăng 9,27% so với năm 2021. Kết quả này cho thấy sự hồi phục rõ ràng của nền kinh tế. Quá trình vực dậy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khiến nhu cầu về vốn cũng tăng cao.
Các chính sách tín dụng được điều chỉnh đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng và việc làm cho người lao động. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 28.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,5% tổng dư nợ; xây dựng nông thôn mới đạt 22.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ; doanh nghiệp đạt 49.500 tỷ đồng, chiếm 44,4% tổng dư nợ.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14% trở lên trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chỉ đạo các tổ chức cơ sở tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ, tiếp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh tốt; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, kiểm soát chặt chẽ tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tránh phát sinh nợ xấu./.
Phương Liên