Cập nhật: 27/05/2022 07:40:00
Xem cỡ chữ

Huyết áp cao và lượng đường trong máu cao, được cho là có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ trong 10 năm tới đối với những người ở độ tuổi 60.

Các yếu tố nguy cơ của chứng sa sút trí tuệ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sa sút trí tuệ hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 trên toàn thế giới và là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm sức khỏe thần kinh ở người lớn tuổi.

Sa sút trí tuệ không phải là một bệnh cụ thể, mà là một nhóm các tình trạng ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tư duy và xã hội. Alzheimer và đột quỵ là những nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ.

Cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có cách chữa trị chứng sa sút trí tuệ, thế nhưng các chuyên gia đã liệt kê ra một số yếu tố dự báo để hạn chế nguy cơ phát triển chứng bệnh này trong cuộc sống sau này. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sức khỏe mạch máu đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chức năng của não.

Tầm quan trọng của sức khỏe mạch máu

Bệnh mạch máu là bệnh ảnh hưởng đến các mạch máu, mang oxy và chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể, loại bỏ chất thải từ các mô.

Nó có thể bao gồm các bệnh về động mạch, tĩnh mạch và mạch bạch huyết của bạn đến rối loạn máu ảnh hưởng đến lưu thông máu.

Hầu hết các vấn đề về mạch máu diễn ra do sự tích tụ của các mảng bám, được tạo thành từ chất béo và cholesterol. Huyết áp cao cũng có thể dẫn đến sức khỏe mạch máu kém, vì nó có thể làm hỏng các động mạch bằng cách làm giảm đàn hồi, giảm lưu lượng máu và oxy đến tim.

Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng có liên quan đến một số vấn đề về mạch máu như bệnh võng mạc, bệnh thận, xơ vữa động mạch.

Điều này muốn nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là phải kiểm tra sức khỏe mạch máu của bạn, bởi qua đó có thể làm sáng tỏ các bệnh khác nhau liên quan đến tim.

2 tình trạng liên quan tới sa sút trí tuệ

Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy sức khỏe mạch máu kém cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ sau này.

Nghiên cứu nêu bật hai tình trạng sức khỏe có thể là yếu tố nguy cơ của chứng sa sút trí tuệ. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Neurology - Hoa Kỳ cho thấy sức khỏe mạch máu kém có thể ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu lên não, gây ra những tổn thương không thể khắc phục được cho các tế bào thần kinh.

Hai tình trạng sức khỏe xuất hiện trong quá trình nghiên cứu là huyết áp cao và tăng đường máu, được cho là có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ trong 10 năm tới đối với những người ở độ tuổi 60.

Tiến sĩ Rosa Sancho, Trưởng phòng Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Bệnh Alzheimer Vương quốc Anh cho biết, "những phát hiện từ nghiên cứu này xác nhận mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ mạch máu, chẳng hạn như huyết áp cao và tiểu đường, với việc tăng nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ trong cuộc sống sau này".

"Chúng tôi biết rằng sức khỏe mạch máu kém hơn có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh mạch máu nhỏ và các tình trạng khác ảnh hưởng đến lưu lượng máu trong não, sau đó làm tổn thương các tế bào não của chúng ta khiến việc “sửa chữa” gặp nhiều khó khăn", Tiến sĩ Rosa Sancho nói thêm.

Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro?

Theo Tiến sĩ Sancho, không bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn để thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ sa sút trí tuệ và cải thiện sức khỏe não bộ của chúng ta.

Bà chia sẻ: “Không hút thuốc, hạn chế uống rượu, vận động thể chất, cải thiện tinh thần, ăn uống cân bằng, kiểm soát mức cholesterol và huyết áp đều có thể giúp não bộ của chúng ta khỏe mạnh kể cả khi chúng ta già đi”./.

N.Hà/VOV.VN (Biên dịch)

Theo Times of India

https://vov.vn/suc-khoe/nguyen-nhan-nao-khien-con-nguoi-de-mac-nguy-co-sa-sut-tri-tue-post946041.vov