Cập nhật: 03/06/2022 08:21:00
Xem cỡ chữ

Vừa vui mừng khi biết tin vợ mang bầu nhưng ông bố trẻ đã lo lắng vì bản thân bị viêm gan B. Vậy đứa con trong bụng và người vợ của anh sẽ ra sao?

1. Viêm gan B - căn bệnh diễn biến thầm lặng

Mới cưới vợ được 6 tháng. Anh N.T.Q (27 tuổi) vừa vui mừng vì biết vợ mang bầu nhưng anh lại vô cùng lo lắng vì mới biết mình bị viêm gan B sau một lần tình cờ được khám sức khỏe định kỳ do chỗ làm anh tổ chức khám. Anh N.T.Q lo lắng, vợ và con anh sẽ bị nhiễm viêm gan B từ anh.

BS. Nguyễn Thị Thu - Chuyên khoa gan mật cho biết, viêm gan B là căn bệnh diễn biến rất thầm lặng. Rất nhiều người không biết mình bị mắc viêm gan B như bệnh nhân NTQ. Vì vậy, hiện nay, khám tiền hôn nhân là việc rất nên làm. Trước khi kết hôn, cần cho vợ/chồng đi tiêm phòng vaccine viêm gan B. Sau khi tiêm phòng vaccine viêm gan B và có kháng thể thì sẽ không bị lây viêm gan B.

Bệnh nhân N.T.Q mới cưới và quan hệ với vợ, người vợ có bầu thì người vợ nhiều khả năng đã bị nhiễm bệnh viêm gan B từ chồng. Bởi viêm gan B lây qua đường quan hệ tình dục nếu không sử dụng biện pháp bảo vệ nào. 

Lo lắng của ông bố trẻ bị viêm gan B khi bất ngờ biết tin vợ mang bầu - Ảnh 1.

Hianhf ảnh virut viêm gan B.

Khi thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B, khả năng lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi là rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm tăng cao dần cùng với thời gian bé phát triển cho đến lúc trẻ ra đời. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ sơ sinh là 10% và tăng lên khoảng 60-70% ở 3 tháng cuối. Có đến 50% số trẻ này có thể bị viêm gan B mạn tính, đe dọa nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.

2. Phụ nữ bị viêm gan B vẫn có thể mang thai và không gây dị tật cho thai nhi

BS. Nguyễn Thị Thu cho hay, phụ nữ bị viêm gan B vẫn có thể mang thai như bình thường, không gây dị tật cho thai nhi. Virus viêm gan B sống hầu hết trong máu và dịch sinh dục của mẹ bầu và không truyền qua được nhau thai. Vì vậy, virus viêm gan B không gây ảnh hưởng nhiều cho quá trình phát triển của thai nhi như những loại virus khác như Rubella, cúm...

Lo lắng của ông bố trẻ bị viêm gan B khi bất ngờ biết tin vợ mang bầu - Ảnh 2.

Phụ nữ bị viêm gan B cần ăn uống đủ dinh dưỡng.

Mẹ bầu cần uống thuốc kháng virus trong quá trình mang thai và sau khi sinh để giảm lượng virus trong máu, giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B sang cho con.

Việc uống thuốc kháng virus nào an toàn cho thai nhi và uống vào thời điểm nào sẽ do bác sĩ của bạn quyết định. Bác sĩ sẽ quyết định dựa vào tình trạng bệnh viêm gan B cũng như số lượng virus (HBV-DNA) trong máu thai phụ. Tốt nhất thai phụ hãy đến gặp bác sĩ trước tuần thai thứ 24 của thai kỳ.

Trong thời gian mang bầu, mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ để có được dinh dưỡng tốt. Viêm gan B sẽ khiến mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi nên cần nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc và lao động căng thẳng hay áp lực.

3. Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Thời điểm nguy hiểm nhất để virus viêm gan B có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của trẻ chính là giai đoạn chuyển dạ khi sinh với tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90%. Đây là thời điểm tử cung co thắt, các mạch máu ở nhau thai cũng bị co thắt lại khiến máu của mẹ dễ dàng tiếp xúc với trẻ hoặc trong quá trình sinh nở, trẻ tiếp xúc với dịch âm đạo của mẹ cũng khiến khả năng lây nhiễm cực cao.

Bên cạnh việc tiêm phòng viêm gan B, mẹ cũng cần có chế độ dinh dưỡng, hoạt động và nghỉ ngơi thật khoa học để có nền tảng sức khỏe thật tốt chuẩn bị cho quá trình sinh nở sắp diễn ra.

Với những trẻ được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm virus viêm gan B, trong vòng một vài giờ sau sinh, bé sẽ được tiêm liều vaccine viêm gan B đầu tiên và một mũi globulin miễn dịch viêm gan B (HBIg) trong vòng 12 giờ sau sinh. Hai loại thuốc này đều là những sản phẩm an toàn và hiệu quả và nếu sử dụng đúng cách thì trẻ sơ sinh có hơn 90% cơ hội được bảo vệ chống lại nhiễm trùng viêm gan B.

Hai loại thuốc này cần được tiêm ngay trong vòng 12 giờ đầu tiên của cuộc đời nên không có cơ hội thứ hai để bảo vệ trẻ sơ sinh một khi cơ hội này bị bỏ lỡ. Vì thế mà các cơ sở y tế cần chuẩn bị loại thuốc này ngay trong phòng sinh để tránh bất kỳ sự chậm trễ hoặc sai lầm đáng tiếc nào có thể xảy ra.

Ngoài ra, đứa trẻ cũng cần được tiến hành tiêm vaccine viêm gan thông thường kết hợp với các mũi tiêm bảo vệ chống lại các bệnh khác khi trẻ lần lượt đến các mốc 6 tuần, 3 tháng và 5 tháng tuổi. Vaccine viêm gan có thể bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm viêm gan B lên đến 95%.

Theo Nguyễn Hằng/suckhoedoisong.vn 

 https://suckhoedoisong.vn/phu-nu-mac-viem-gan-b-van-co-the-mang-thai-binh-thuong-169220531114236767.htm