Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Vì vậy, trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội.
Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp. Toàn tỉnh có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 9/9 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, trong đó có 03 huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Để thực hiện mục tiêu này, Vĩnh Phúc cũng đề ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, trong đó tập trung hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Tổ chức sản xuất hiệu quả, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển thị trường đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro; Hội nhập và hợp tác quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Lưu Trường