Ngành Du lịch và các địa phương miền núi tỉnh Quảng đang nỗ lực khôi phục loại hình du lịch cộng đồng để thu hút du khách tham quan trải nghiệm.
Du lịch làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch hấp dẫn mang lại hiệu quả cao đối với người Cơ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, 2 năm nay, loại hình du lịch này không thể hoạt động. Ngành Du lịch và các địa phương miền núi tỉnh Quảng đang nỗ lực khôi phục loại hình du lịch cộng đồng để thu hút du khách tham quan trải nghiệm.
Các thành viên trong tổ du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng họp bàn giải pháp làm mới hoạt động du lịch để đón khách.
Làng Bhơ Hôồng xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có hơn 85% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Ngôi làng này nằm dọc tuyến Quốc lộ 14G nối thành phố Đà Nẵng. Đây là Làng du lịch cộng đồng nổi tiếng với lễ hội mừng lúa mới, điệu múa Tung tung, Za ză rất quyến rũ của những chàng trai, cô gái Cơ Tu,…
Anh Briu Nhiên, thành viên Ban Quản lý làng Du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang cho biết, trước khi xảy ra dịch Covid-19, mỗi năm, Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng đón hơn 2.000 lượt du khách đến trải nghiệm và lưu trú. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào Cơ Tu mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Anh Briu Nhiên nói, sau khi Khu Du lịch cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động, lượng khách đến tham quan trải nghiệm tăng từ 5 đến 6 lần so với năm ngoái, người dân rất phấn khởi: “Bà con thêm nguồn thu nhập, khách đến chủ yếu là đặt ẩm thực, múa cồng chiêng và tham gia các dịch vụ nhạc cụ….Bà con ai tham gia được hưởng lợi từ nguồn thu các dịch vụ. Cũng có thu nhập thêm phần du lịch ngoài việc làm nương rẫy, khách đến mình phục vụ cho khách có thêm tiền".
Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng hoạt động từ năm 2013, có 1 tổ hợp tác gồm 30 thành viên được chia ra những nhóm dịch vụ du lịch. Du khách lưu trú tại đây được thưởng thức các món ăn dân dã và tham gia sinh hoạt văn hoá cộng đồng với những nhạc cụ, vũ điệu dân gian của người Cơ Tu. Ông A Rất Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, để thu hút khách tham quan trải nghiệm, địa phương tổ chức làm mới các sản phẩm du lịch, mở thêm 1 số hoạt động nâng cao tay nghề cho người lao động về đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, kỹ năng quản lý hoạt động du lịch cộng đồng:
“Sau khi tình hình du lịch ổn định, điểm Du lịch Cổng trời Đông Giang mở cửa thì khách du lịch đến rất đông. Đây cũng thuận lợi thu hút khách du lịch tham quan và lưu trú. Tiếp tục duy trì, kiện toàn lại Ban quản lý, tổ hợp tác, tìm điểm check in trải nghiệm văn hoá của người Cơ Tu, kích hoạt du lịch, làm mới các dịch vụ để khách đến. Tiếp tục quảng bá hình sản phẩm địa phương phát triển du lịch, cầu nối các tour khách từ thành phố Hội An tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân", ông Trung nói.
Các sản phẩm đan lát rất đa dạng như nia, giỏ, các loại gùi đựng trang sức phụ nữ phục vụ khách du lịch.
Tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam hiện có nhiều làng du lịch cộng đồng như: Bhơ Hôồng tại xã Sông Kôn, Đhrôồng ở xã Tà Lu. Ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc khôi phục các làng nghề đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người Cơ Tu trên địa bàn.
Sản phẩm của người Cơ Tu làm ra trở thành mặt hàng lưu niệm ưa thích của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Theo ông A Vô Tô Phương, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các làng du lịch như: tăng cường liên kết với các doanh nghiêp, công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để thu hút khách tham quan.
“Hiện nay khu du lịch làng Bhơ Hôồng đã khởi động trở lại. Khách du lịch trong tỉnh và các tỉnh khác tới du lịch cộng đồng rất nhiều. UBND huyện đang xúc tiến quy hoạch đô thị Sông Vàng và định hướng tới năm 2025 và năm 2030 sẽ xây dựng quy hoạch, đô thị Sông Vàng trở thành đô thị loại 5. Qua đó thu hút mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để xây dựng các dự án phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt du lịch xanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương", ông A Vô Tô Phương nói.
Tại tỉnh Quảng Nam hiện có 35 điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống cộng đồng ở khu vực nông thôn, các huyện miền núi. Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến loại hình du lịch này. Để kích cầu các hoạt động du lịch, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch phục hồi và duy trì hoạt động kinh doanh trong tình hình mới.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”, phấn đấu đến năm 2025, các huyện miền núi đón 600.000 lượt khách du lịch mỗi năm, tạo việc làm trực tiếp cho 4.500 lao động: “Phát triển du lịch khu vực miền núi, chúng ta đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư du lịch tiêu chuẩn 5 sao ở khu vực Đông Giang. Tiếp tục phát triển các địa bàn khác mà có khả năng khai thác du lịch tốt như: Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My… hoàn toàn có thể trở thành khu vực mà có tiềm năng khai thác những du lịch lớn về sinh thái, về mạo hiểm về nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, chúng ta phải tập trung hướng dẫn cho các Hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với các hộ gia đình để hình thành các loại hình du lịch nông nghiệp hữu cơ, du lịch gắn với văn hoá bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số của miền núi"./.
Theo Tuyết Lê/VOV-Miền Trung
https://vov.vn/du-lich/quang-nam-khoi-phuc-du-lich-lang-nghe-truyen-thong-post948098.vov