Vùng núi Tam Đảo có nhiều cây dược liệu quý hiếm, trong đó có cây ba kích. Để bảo tồn và phát triển loại dược liệu quý này, người dân xã Đạo Trù đã đưa cây ba kích về vườn nhà, áp dụng khoa học kỹ thuật để ươm, nhân giống và chăm sóc trên quy mô lớn.
Ông Nguyễn Văn Sô, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo là một trong những người đầu tiên của thôn Đồng Giếng đưa cây ba kích về vườn nhà trồng. Năm 2010, khi thấy các thương lái về Tam Đảo tìm mua củ ba kích rừng do bà con đào bán được với giá cao. Hiểu được giá trị và nhu cầu về củ ba kích, ông Sô đã trồng thử trên vườn đồi nhà mình, thấy cây phát triển tốt, ông nhân giống, mở rộng diện tích trồng cây ba kích với mục đích bán cho thương lái.
Từ chỗ trồng thử nghiệm, đến nay, gia đình ông Sô đã trồng gần 2 ha cây ba kích. Với giá bán trung bình khoảng 120.000đ/kg sẽ thu được 120-168 triệu đồng/1 sào. Từ hiệu quả mà cây ba kích mang lại, ông Sô cùng người dân địa phương đã dần chuyển toàn bộ đất đồi đang trồng sắn và các loại cây không mang lại hiệu quả sang trồng cây ba kích. Loại cây này đã và đang làm thay đổi cuộc sống của người dân Đạo Trù.
Trồng ba kích không khó, lại tốn ít công chăm sóc, phù hợp với đất vùng đồi núi, có thể trồng dưới tán cây khác mà vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Đặc biệt cây ba kích có thể tự nhân giống bằng cách cắt cành dâm xuống đất. Khoảng 3 năm cây cho thu hoạch củ, nhưng nếu càng trồng lâu thì chất lượng củ càng tốt, giá bán sẽ cao hơn. Chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích người dân chuyển dần sang trồng cây ba kích và có định hướng để đưa cây dược liệu này trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Cây ba kích bước đầu đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho các công ty trong và ngoài tỉnh sản xuất thuốc, chiết xuất và chế biến các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Vì vậy người dân rất cần có định hướng lâu dài từ chính quyền trong việc trồng và chăm sóc để vừa bảo tồn, phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho gia đình./.
Tiến Chung