Lối sống lành mạnh như cắt giảm calories, kiêng đường, đi bộ, tinh thần vui vẻ lạc quan sẽ giúp chúng ta trẻ lâu, nhà khoa học Sinclair tại Đại học Y Harvard cho biết.
Nhà sinh học phân tử David Sinclair, người đứng đầu công trình nghiên cứu về đảo ngược quá trình lão hóa ở Đại học Y Harvard cho biết hiện đội ngũ của ông đã thực hiện thí nghiệm thành công ở chuột. Những con chuột nhờ được chỉnh sửa gene đã giúp cho các tế bào trưởng thành chuyển đổi thành tế bào gốc, qua đó tự sửa chữa các mô hư hại.
Trong thí nghiệm, chuột già mù lòa đã trẻ hóa, mắt sáng trở lại. Các thí nghiệm đã được thực hiện để làm trẻ hóa cơ và não của chuột, giúp chúng trẻ lại và minh mẫn tinh anh như thời gian trước đây.
Theo nhà khoa học Sinclair, hiện nghiên cứu bắt đầu tiến hành xem liệu can thiệp gene giúp trẻ hóa cơ thể có thể thực hiện tương tự như ở người. Sẽ phải mất hàng năm trước khi hoàn thành thử nghiệm ở con người.
Ngoài ứng dụng khoa học, lối sống lành mạnh cũng có thể góp phần 'tắt' gene bệnh tật, giúp bạn trẻ khỏe và sống lâu hơn
Top bí quyết để làm chậm lại tiến trình lão hóa
Trong khi chờ đợi từ khoa học để tái tạo lại gene của chúng ta, có nhiều cách để làm chậm lại tiến trình lão hóa và khởi động lại đồng hồ sinh học, nhà sinh học phân tử Sinclair cho biết. Theo ông, chúng ta hoàn toàn vẫn có thể làm chậm lại tiến trình lão hóa cơ thể qua lối sống lành mạnh như sau:
- Chế độ ăn chủ yếu dựa vào thực vật, không ăn quá nhiều
- Ngủ đủ giấc
- Điều hòa nhịp thở 10 phút, 3 lần mỗi tuần bằng cách tập thể dục. Không chỉ nâng cao sức khỏe hô hấp, vận động còn góp phần duy trì khối cơ, giúp cơ thể săn chắc dẻo dai.
- Đừng để tâm tới những chuyện phiền muộn, giải tỏa mọi căng thẳng trong cuộc sống.
- Chịu khó giao du xã hội như tham gia các nhóm hội để giúp tinh thần hưng phấn.
Lối sống lành mạnh có tác động tốt tới bộ gene của chúng ta, góp phần tắt đi những gene bệnh tật, làm chậm lại tiến trình lão hóa, giúp chúng ta khỏe mạnh và sống lâu hơn.
Đi bộ là một trong những cách giúp chúng ta trẻ lâu
Theo Viện nghiên cứu bộ gene người quốc gia Mỹ, bộ gene bệnh tật (epigenome) bao gồm các protein và các hoạt chất tại mỗi gene. Bộ gene bệnh tật (epigenome) này thực sự theo nghĩa đen sẽ tắt hoặc bật các gene này.
Vậy điều gì điều khiển gene bệnh tật? Lối sống và yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng đối với tắt/bật gene gây ra bệnh tật. Chẳng hạn như bạn sinh ra đã mang gene di truyền bệnh tim và tiểu đường, nhưng do tập thể dục, ăn uống lành mạnh với chế độ ăn nhiều rau củ quả, ngủ ngon giấc và tinh thần lành mạnh, rất có thể những gene bệnh tật này sẽ không bao giờ bị kích hoạt. Do đó, vận mệnh của gene nằm trong tay chúng ta.
Tác động tích cực đối với sức khỏe nhờ vào chế độ ăn giàu rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, duy trì mối quan hệ yêu thương và gần gũi với những người xung quanh. Tập thể dục đầy đủ và ngủ ngon giấc cũng đóng vai trò quan trọng đối với tắt gene bệnh tật.
Tuy nhiên, theo nhà khoa học Sinclair, cắt giảm calorie để tăng tuổi thọ vẫn còn gây tranh cãi.
Chế độ ăn vừa đủ (nhưng vẫn đảm bảo phải đủ dinh dưỡng) vốn đã được khoa học coi là cách để kéo dài tuổi thọ trong suốt gần 1 thế kỷ qua.
Những nghiên cứu trên giun, cua, ốc sên, ruồi giấm và loài gặm nhấm cho thấy việc hạn chế calories "trì hoãn khởi đầu những bệnh liên quan tới tuổi già", chẳng hạn như ung thư, bệnh tim và tiểu đường, theo Viện Lão khoa Mỹ.
Một vài nghiên cứu cũng cho thấy việc cắt giảm calories giúp tăng tuổi thọ. Trong một nghiên cứu năm 1986, chuột được cho ăn chỉ bằng 1/3 lượng calories điển hình trong ngày sống tới 53 tháng. Bình thường, chuột cảnh có thể sống khoảng 24 tháng.
Tuy nhiên, với riêng bản thân Sinclair, ăn kiêng cũng là một yếu tố tái tạo lại đồng hồ sinh học. Với các xét nghiệm gần đây cho thấy, tuổi thọ sinh học của ông là 42 trong một cơ thể 53 tuổi.
"Tôi đã thực hiện xét nghiệm sinh học trong 10 năm qua. Và giờ tôi thực sự trẻ hơn so với 10 năm trước.", ông tâm sự.
Bí quyết trẻ lâu của Sinclair
Chuyên gia Sinclair đã viết cuốn sách "Tuổi thọ: Tại sao chúng ta lão hóa và tại sao điều đó không nhất thiết phải xảy ra" ("Lifespan: Why We Age and Why We Don't Have To) dựa trên các nghiên cứu.
Ông cho biết bản thân mình hạn chế đồ ăn tinh chế, đặc biệt kiêng đường khi bước sang độ tuổi 40. Ông ăn đa phần thức ăn có nguồn gốc thực vật, kiêng thịt đỏ và giữ cân nặng lành mạnh.
Những bài tập được Sinclair thực hiện gồm các bài tập leo cầu thang. Thay vì đi thang máy, ông sẽ leo cầu thang bộ. Ông cũng đến phòng tập gym để tập tạ với con trai mình. Sau đó ông đi dạo bộ và tắm sauna và ngâm mình trong một bể nước lạnh. Nhờ đó mà cơ thể tôi dường như trẻ ra tới tận 20 tuổi, ông mỉm cười nói.
Nói về nhiệt độ lạnh, khoa học từ lâu đã cho rằng nhiệt độ lạnh có thể kéo dài tuổi thọ ở một số loài vật, theo một nghiên cứu năm 2018. Mặc dù nhiệt độ lạnh có thể làm tăng lượng mỡ nâu trong cơ thể, loại mỡ thường có vai trò giữ ấm cơ thể ở các loài ngủ đông. Mỡ nâu đã được chứng minh là cải thiện trao đổi chất và chống béo phì.
Sinclair cho biết, vitamin D và K2 là các dưỡng chất giúp cơ thể trẻ lâu. Trong các thí nghiệm, vitamin D và K2 đã chứng minh kéo dài tuổi thọ ở chuột và kéo dài tuổi thọ tế bào cơ thể trong ống nghiệm. Ngoài ra, resveratrol – chất chống oxy hóa phổ biến trong vỏ nho, việt quất, mâm xôi, dâu tằm và lạc cũng góp phần làm chậm lại tiến trình lão hóa.
Theo Nguyễn Vân (theo CNN Health)/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/lam-cham-lai-tien-trinh-lao-hoa-nho-top-bi-quyet-don-gian-sau-169220605185513238.htm