Chỉ còn vài tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ diễn ra. Hiện, các địa phương đang rốt ráo chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi.
Tăng tốc ôn thi phút chót
Theo một số hiệu trưởng nhà trường, mặc dù Bộ GD-ĐT thông báo nội dung thi tốt nghiệp chủ yếu là lớp 12, nhưng các thầy, cô cũng giúp học sinh không quên các nội dung kiến thức có liên quan, tiếp nối ở lớp 10, 11 theo hướng khai thác, vận dụng kiến thức đã học trong chương trình theo yêu cầu cần đáp ứng ở các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Tại Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), nhà trường ôn tập chín môn thi tốt nghiệp, bốn tiết mỗi ngày cho 700 học sinh.
Học sinh cấp tập ôn thi trước giai đoạn nước rút (Ảnh: M. Hà).
Theo đó, những em chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sẽ được dạy các môn tương ứng, còn thời gian học Toán, Văn, Tiếng Anh tương đương nhau. Việc ôn luyện tại trường kết thúc vào ngày 1/7.
Trước thời điểm ôn tập "nước rút" cho kỳ thi quan trọng này, một số giáo viên cũng động viên tinh thần đến các sĩ tử.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh học ở Hà Nội khuyên học sinh thời điểm này, nếu muốn ôn tập lý thuyết thì bám kỹ kiến thức ở sách giáo khoa, đồng thời chú trọng các câu hỏi mệnh đề, thay vì "đâm đầu" vào các câu hỏi nhận biết trong đề thi trắc nghiệm.
Trong khi đó, thầy Đỗ Ngọc Hà- giáo viên Vật lý ở Hà Nội cũng cho rằng, đến thời điểm này, nếu em nào nản chí và dừng lại thì coi như thua cuộc.
"Bạn bè chê bai điểm thi thử thấp, không vấn đề. Các em hãy gạt tất cả các yếu tố ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến tinh thần để tập trung cho việc học thôi. Tôi mong các bạn sớm ổn định tinh thần để dồn trí lực vào kỳ thi đang tới rất gần", thầy Hà nói.
Rốt ráo chuẩn bị cơ sở vật chất
Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc sở GD-ĐT Lai Châu cho biết, địa phương này có 40% thí sinh chỉ đăng ký thi để xét tuyển tốt nghiệp và khoảng 60% thí sinh thi để xét Đại học, Cao đẳng.
Địa phương đã thành lập các hội đồng thi, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, chọn các điểm in sao đề, rọc phách theo đúng yêu cầu và quy định, rà soát các điều kiện chuẩn bị cho kỳ thi.
Không chỉ thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Lai Châu còn thành lập ban chỉ đạo thi cấp huyện để kịp thời chỉ đạo các vấn đề sát thực tiễn. Việc tập huấn công tác thi cho các cán bộ tham gia kỳ thi đã được triển khai, đội ngũ thanh tra, kiểm tra thi cũng đã sẵn sàng.
Các hội đồng thi đã được thành lập với 20 điểm thi chính thức, 203 phòng thi, bên cạnh đó là hệ thống điểm thi dự phòng.
Cũng theo ông Tuấn, dù số lượng điểm thi chính của tỉnh không nhiều do số lượng thí sinh ít, nhưng do quy mô trường học ở Lai Châu khá nhỏ nên việc lựa chọn điểm thi dự phòng gặp khó khăn. Có điểm thi chính phải chọn đến hai điểm thi dự phòng mới đáp ứng được yêu cầu.
Địa phương đã thành lập các hội đồng thi, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cho kỳ thi (Ảnh: Mạnh Quân).
Năm nay toàn tỉnh Nam Định có 19.864 thí sinh đăng kí dự thi ở 35 điểm thi chính thức gồm 846 phòng thi. Tỉnh này cũng có 20 điểm thi dự phòng với 404 phòng thi.
Địa phương này dự kiến huy động số lượng cán bộ thực hiện công tác coi thi là 3.052 người. Trong đó có 1.867 cán bộ coi thi; 325 cán bộ giám sát; 35 trưởng điểm thi; 70 phó trưởng điểm thi và 650 người là công an, trật tự viên, tạp vụ, lao công, y tế, bảo vệ…
UBND tỉnh Nam Định đã thành lập Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Năm nay, TP Hồ Chí Minh có quy mô thí sinh rất lớn, hơn 86.000 thí sinh, có điểm thi đến 35 phòng thi với gần 800 thí sinh.
Sở dự kiến quy hoạch 165 địa điểm thi. Trong đó mỗi quận, huyện sẽ có từ 1 đến 3 điểm thi dự phòng và mỗi điểm thi có từ 3 phòng dự trữ để xử lý các trường hợp bất thường.
Đến thời điểm này, sở đã thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi, từ việc triển khai quy chế, hướng dẫn kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; triển khai các văn bản của Sở GD-ĐT về việc hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và họp phụ huynh học sinh; chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi; địa điểm in sao đề thi, lưu trữ bài thi, làm phách, chấm thi…
Trong khi đó tại Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm nay thành phố có 97.953 thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh có nguyện vọng lấy kết quả để xét tốt nghiệp và dự tuyển vào đại học, cao đẳng là 86.460.
Số thí sinh đăng ký dự thi chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT là 6.956. Số thí sinh đăng ký chỉ xét tuyển đại học, cao đẳng là 4.537.
Dự kiến, thành phố sẽ tổ chức 181 điểm thi tại các Trường THPT, THCS và Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn thành phố với tổng số 4.070 phòng thi.
Sở cũng dự kiến điều động khoảng 11.000 cán bộ, giáo viên của các trường THPT, THCS, Trung tâm GDNN-GDTX tham gia lãnh đạo, coi thi, giám sát tại tất cả các điểm thi.
Nhiều tỉnh thành có phương án dự phòng cho tình huống thiên tai, bão lũ (Ảnh: M. Hà).
Sẵn sàng với các tình huống bất thường
Là địa phương vùng núi, thường xuyên xảy ra mưa lũ trong thời điểm diễn ra kỳ thi nên tỉnh Lai Châu cũng đã chỉ đạo các sở y tế, giao thông phối hợp với lực lượng công an, quân đội để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường.
Tương tự, tại tỉnh Bắc Giang, các phương án dự phòng cho tình huống thiên tai, bão lũ cũng đã được triển khai.
Ngày 22/6, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho biết, nếu cận ngày thi việc vận chuyển bằng đường biển gặp khó khăn vì biển động mạnh sẽ tính đến phương án đưa đề thi bằng trực thăng ra đảo Lý Sơn.
Tại Bắc Giang, theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Bắc Giang đã bố trí cho các học sinh ở các khu vực dễ bị chia cắt bởi bão lũ có thể ở trọ gần khu vực thi.
Việc yêu cầu điểm bỏ vật dụng cách 25m theo quy định của Bộ GD-ĐT được các Sở "kêu" rất khó khăn vì nhiều điểm thi không đủ diện tích giữa các phòng thi, chưa kể thiếu nhân lực trông coi và nếu trời mưa thì không biết làm như thế nào.
Vì vậy Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất cho các địa phương có số lượng lớn thí sinh như Hà Nội và TPHCM sử dụng phương pháp cũ, tức cho tất cả vật dụng của thí sinh vào thùng giấy để bên ngoài phòng thi.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng cùng Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng đồng tình với quan điểm trên và đề xuất cho địa phương này sử dụng phương án riêng sao cho phù hợp tình hình thực tế.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết sẽ chuẩn bị các thùng đựng vật dụng cho thí sinh theo phòng thi, sau đó di chuyển các thùng này đến khu vực tập trung cách khu vực thi 25m.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết trong nhiều năm qua, Bắc Giang đã bố trí khu vực để đồ riêng cho thí sinh, năm nay sẽ áp dụng thêm yêu cầu về khoảng cách tối thiểu 25m.
Cùng với đó, các địa phương cũng chuẩn bị các phòng thi dự phòng để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể diễn biến phức tạp trong những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Theo Mỹ Hà/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/cac-dia-phuong-rot-rao-chuan-bi-thi-tot-nghiep-thpt-2022-20220623103034980.htm