Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của nhân dân và báo chí...trong phòng, chống tham nhũng.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 dự kiến tổ chức vào ngày 30/6. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ chủ trì hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có trao đổi với báo chí trước thềm hội nghị.
Biến hàng triệu con mắt, lỗ tai của dân thành 'ngọn đèn soi'
Công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua được đánh giá là có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết để đạt được kết quả này có 5 nguyên nhân cơ bản.
Đó là có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước.
Sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm” của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trước hết là kiểm tra Đảng, nội chính, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương.
Sự kế thừa, tiếp nối của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ trước đây.
Cuối cùng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, báo chí và toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương bày tỏ: "Tôi xin nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, của nhân dân và báo chí, sự gương mẫu, quyết liệt “nói đi đôi với làm” và “làm đi đôi với nói” của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt".
Ông Trạc cho rằng, đây là chỗ dựa vững chắc, là đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn và do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, với vai trò to lớn của nhân dân, không có sức mạnh nào to lớn bằng sức mạnh của nhân dân, không có gì mà nhân dân không biết và do đó, không có gì qua mắt được nhân dân. Cho nên, theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương "sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".
Do đó, ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành “những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp như bác Hồ đã từng dạy chúng ta".
Phối hợp, điều hòa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương đã thực hiện nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo như thế nào, để góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo, cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Phan Đình Trạc cho biết, Ban Nội chính đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để làm các việc chính đó là, chủ động tham mưu đề xuất và đôn đốc, giám sát việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo và đồng thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo chọn những việc khó, những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều vướng mắc và những việc trọng tâm đột phá để tập trung chỉ đạo.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Ban Nội chính đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đi kiểm tra ở các lĩnh vực trọng điểm.
Tham mưu nhiều cơ chế để nâng cao hiệu quả chỉ đạo công tác phối hợp của Ban Chỉ đạo, ví dụ như cơ chế đưa vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; cơ chế chỉ đạo 5 bước của Ban Chỉ đạo đối với các vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp có khó khăn, vướng mắc và cơ chế phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Nói thêm về vai trò của Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho hay: " Chúng tôi đã chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Với vai trò là cơ quan thường trực, chúng tôi phối hợp, điều hòa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để nâng cao hiệu quả hơn nữa cho hoạt động của Ban Chỉ đạo".
Theo Trần Thường/vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/su-guong-mau-cua-tong-bi-thu-la-cho-dua-vung-chac-trong-chong-tham-nhung-2034499.html