Ngày tháng làm việc tại Campuchia, nhân viên ở casino bị giám sát 24/24h. Người lao động bị giam lỏng và phải hứng chịu những màn tra tấn rợn người mỗi khi mắc lỗi.
Sau khi mắc bẫy của "chim mồi", các nạn nhân sang Campuchia tìm "việc nhẹ, lương cao" bị đưa vào sào huyệt của ổ nhóm buôn người. Lúc đó biết là bị lừa nhưng không còn cách nào khác, những lao động cưỡng bức buộc phải nghe theo sự sắp đặt của chủ nếu không muốn bị tra tấn.
Nơi "địa ngục trần gian" ấy chỉ có hai sự lựa chọn "làm việc hoặc chết".
Ám ảnh về tầng 8 và tầng 2
Với T.T.D. (19 tuổi, ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa), những ngày tháng bị lừa bán sang Campuchia làm nhân viên casino là khoảng thời gian khổ cực, ám ảnh.
T.T.D. ám ảnh mỗi khi kể về những ngày tháng sống nơi "địa ngục trần gian" ở Campuchia.
Khu vực nơi D. làm việc nằm biệt lập với bên ngoài, không có dân cư sinh sống. Xung quanh khuôn viên casino này là tường rào, thép gai, có bảo vệ canh gác, chỉ có một cổng duy nhất để khách vào chơi. Tổng thể khu vực này gồm 4 tòa nhà, trong đó có siêu thị, casino, nhà ở nhân viên và khu "thác loạn" với nhiều dịch vụ giải trí như bar, karaoke, mại dâm.
Sau khi bị bán cho bà chủ tên Âu với giá 2.500 USD, D. được đưa lên tầng 5 làm công việc bưng bê nước, dẫn khách vào bàn chơi bài. Có gần 40 nhân viên như D. làm việc tại đây, chủ yếu ở lứa tuổi từ 17 đến 26.
Mỗi ngày D. làm việc từ 9h-23h, có ngày đến 1-2h sáng hôm sau. Kết thúc buổi làm, D. trở về tầng 9 của tòa nhà bên cạnh casino ngủ. Để điều hành, quản lý nhân viên, bà chủ tên Âu lập một nhóm làm việc trên ứng dụng telegram. Nhóm này có 38 thành viên là nhân viên làm việc tại casino.
Quá trình làm việc, nhiều nhân viên ở casino phải lừa khách hàng vào app để kiếm tiền cho chủ.
D. cho biết, không chỉ lập nhóm để quản lý công việc, bà chủ tên Âu còn thường xuyên gửi những đoạn clip ghi lại cảnh nhiều nhân viên bị tra tấn kinh hoàng khi có biểu hiện không nghe lời và mắc lỗi trong quá trình làm việc.
"Thi thoảng chị Âu lại gửi clip vào nhóm đe dọa các nhân viên. Chị ấy bảo "có ai thích lên tầng 8 không?". Lúc đầu em không biết tầng 8 là gì, thời gian sau mới biết đây là tầng tra tấn. Đến giờ em vẫn thấy sợ khi nghĩ về cảnh ở đó, đội bảo vệ của casino dùng dùi cui điện và dây sắt tra tấn, quất vào lưng những nhân viên không nghe lời. Em có quen một anh ở tầng 12, anh ấy đã từng bị đánh đến tím tái, suýt chết", D. kể.
Theo D. tiết lộ, không chỉ bị tra tấn, nhiều nhân viên nữ tuổi đời từ 16-25, có vóc dáng, xinh xắn còn bị ép làm "nô lệ tình dục".
Tương tự, N.V.C. (19 tuổi, ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) bị một người bạn thân lừa bán sang Campuchia với giá 650 USD vào hồi tháng 3 vừa qua. Mỗi ngày C. có nhiệm vụ ngồi máy tính để kéo khách vào các game bài, tăng lượng tương tác trên mạng xã hội…
Không làm việc, cãi lại ông chủ, chạy trốn... các nhân viên tại casino sẽ bị tra tấn, chích điện (Ảnh minh họa).
Nơi C. làm việc khác với D. nhưng quy cách làm và hình thức tra tấn nhân viên vi phạm cũng tương tự. C ở tầng 2 của một tòa nhà. Tại đây có khoảng 300 nhân viên là người Việt Nam. Hơn một tháng làm việc tại đây, C. chứng kiến nhiều nhân viên bị đánh đập thậm tệ.
"Chuyện bị đánh hộc máu mũi, dùi cui điện "kêu đèn đẹt" và những tiếng la hét diễn ra thường xuyên, ngày nào cũng có người bị đánh", C. mặt nhăn rúm khi nhớ lại.
N.V.C. cho biết, tại tầng 2 nơi em làm việc có một căn phòng được gọi là "phòng tối". Đây là nơi tra tấn với những nhân viên có ý định bỏ trốn, không chịu làm việc, cãi lại chủ.
"Mỗi lần đi vệ sinh qua căn phòng tối, em chỉ nghe tiếng la hét. Tiếng dùi cui điện, tiếng đòn roi vang lên liên tục. Có nhiều anh bị đánh đến gần chết. Em chưa bị lần nào nhưng thấy các anh đồng nghiệp kể lại, ai có ý định bỏ trốn sẽ bị đội bảo vệ dùng còng số 8 còng tay lại, sau đó đưa vào phòng tối chích điện, đánh đập", C. vẫn còn ám ảnh khi kể về "phòng tối".
Ông chủ Trung Quốc dùng "sát thủ" Việt "trị" lao động
Công việc của N.V.C. bắt đầu từ 17h đến 5h sáng hôm sau. Mỗi buổi làm việc, C. phải nhắn tin, lôi kéo được 2 khách hàng vào app game và đánh bài... nạp tiền, 2 khách tạo tài khoản, 2 khách làm nhiệm vụ trên app.
Công ty của C. làm có ông chủ là người Trung Quốc. Để quản lý nhân viên, ông chủ giao một người đàn ông tên Tạ Duy Khánh (tên thường gọi là "Khánh Sky" - khoảng ngoài 30 tuổi, quê Hải Phòng) cai quản.
N.V.C bàng hoàng và sợ hãi kể lại những ngày làm việc tại Campuchia.
"Khánh Sky" cũng chính là nỗi ám ảnh đối với C. và những nhân viên ở đây. N.V.C. nhớ nhất về "Khánh Sky" bởi cách quản lý hung tợn và những trận đòn vô cớ.
"Nhân viên nào không hoàn thành nhiệm vụ trong buổi làm việc sẽ không được về ngủ, phải ở lại tăng ca. Khi tăng ca vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bắt quỳ gối làm việc. Hình phạt cứ thế tăng dần, đến khi vào căn phòng tối thì chẳng ai dám cự cãi gì nữa", C. kể.
Theo C., trong tổ của em có 10 người, có một người bạn cùng quê vì không nhắn tin trả lời khách hàng đã bị "Khánh Sky" bắt quỳ gối làm việc cả buổi, không cho ăn cơm.
Ngoài những hình phạt man rợ, "Khánh Sky" còn thường xuyên đánh nhân viên thay vì nhắc nhở làm việc. "Cứ hở ra là bị "Khánh Sky" đánh. Có những lúc nhân viên bị đạp thẳng vào mặt, vả hộc máu mũi, thậm chí là bị chích điện", C. nói.
Kế hoạch trốn chạy
Những màn tra tấn dã man, cách thức "bóc lột" sức lao động của bà chủ tên Âu và "Khánh Sky" khiến cho T.T.D. và N.V.C. cùng các đồng nghiệp của mình luôn rơi vào trạng thái khủng hoảng về cả tinh thần lẫn thể xác.
Sau khi làm được gần một tháng, vì không thể chịu được nữa nên C. đã nảy sinh ý định trốn khỏi hang ổ buôn người. Mặc dù toàn bộ khu vực làm việc được canh gác rất cẩn mật. C. nhớ rất rõ về kế hoạch trốn chạy đó.
Khu vực làm việc tại Campuchia được cảnh giới nghiêm ngặt (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa).
Đó là một ngày tháng 4/2022, khoảng 5h sáng, C. và 3 người bạn cùng phòng vừa hết giờ làm việc, trở về nơi nghỉ. Trên đường về phòng, họ rủ thêm 2 người khác lên kế hoạch chạy trốn.
Quá trình làm việc, C. và nhóm bạn tranh thủ từng phút, từng giây để ý những sơ hở. Thậm chí, nhiều khi C. còn tận dụng máy tính để tra bản đồ, định vị lại địa hình nơi mình đang ở để tìm cách trốn thoát.
Công việc của C thi thoảng phải gửi vị trí của công ty cho khách hàng vào chơi và nạp tiền. Những lúc như thế, C. tranh thủ từng giây vào xem mình đang ở đâu. C. còn dò từng khoảng cỏ trống quanh bức tường bảo vệ, lên kế hoạch tìm lối đào tẩu.
"Sau nhiều ngày quan sát, em phát hiện có một đường ống sắt ở tầng 2 nối ra phía ngoài khu vực bờ tường thép gai. Ở tầng 3, chúng em xác định, đã bỏ trốn nhất định phải thành công, nếu không chỉ có con đường chết. Lúc đó, nhóm bọn em định nhân lúc quản lý, bảo vệ sơ hở sẽ bám theo đường ống sắt để thoát ra ngoài, đến bờ rào gai sẽ dùng vải cuốn để vượt qua. Tuy nhiên, do trời mưa quá to, bờ tường thép gai lại có điện nên không ai dám trốn nữa", C. nhớ lại.
Sau khi bị bán, các nạn nhân được đưa vào Casino để làm việc (Ảnh minh họa).
Còn D., những đoạn video về căn phòng tra tấn khiến chàng trai trẻ không dám nghĩ đến ý định bỏ trốn, ngoan ngoãn làm việc theo sự sắp đặt của chủ và đợi ngày được giải thoát. Tuy nhiên, sau nhiều ngày làm việc chăm chỉ, bà chủ tên Âu đã không giữ lời hứa, bán D. cho một công ty khác với giá cao gấp đôi thời điểm mua ban đầu.
Tại đây, D. đã may mắn sống sót trở về sau gần 100 ngày chịu cảnh "địa ngục trần gian" nơi xứ người...
Theo Thanh Tùng/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/viec-nhe-luong-cao-o-campuchia-phong-tra-tan-noi-dia-nguc-tran-gian-20220628174727744.htm