Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước là nhà thơ lớn của nước ta là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ của dân tộc.
Tối ngày 30/6, tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, Tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022); 30 năm Ngày truyền thống văn hoá tỉnh Bến Tre (1/7/1992 -1/7/2022). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.
Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội Trần Thanh Mẫn cũng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và ông Christian Manhart trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nêu rõ cả cuộc đời 66 năm, Nguyễn Đình Chiểu sống bằng nghề dạy học, nghề thầy thuốc và sáng tác văn chương. Sự nghiệp văn chương của Cụ, trừ một bài thơ viết bằng chữ Hán, còn lại đều viết bằng chữ Nôm, với các truyện thơ nổi tiếng trong đó có Lục Vân Tiên, là một tác phẩm đầu tay chứa đựng triết lý, trọng đạo nghĩa, tiết tháo làm người, thể hiện quan điểm ca ngợi, bảo vệ cái tốt, cái hay, cái đẹp và phê phán, “ghét cay, ghét đắng” cái xấu, cái ác; các bài văn tế, thơ điếu, thơ luật Đường.
Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên dùng văn chương tạc vào lịch sử chân dung những người nông dân - nghĩa binh, những tướng lĩnh đánh giặc, điển hình là bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Trọn đời, thầy Đồ Chiểu chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi của văn hóa Việt Nam, về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một kẻ sỹ; thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu tận hiến cứu người, giúp đời bằng nghề thuốc của mình.
Tác phẩm Ngư Tiều y thuật vấn đáp là một tập hợp phong phú nhiều bài thuốc mà ông đã dày công tổng hợp, học hỏi và nghiên cứu, để lại giá trị cho muôn đời sau. Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã gắn bó với tỉnh Bến Tre 26 năm cuối đời. Gần 200 năm qua, người dân Bến Tre luôn xác định Nguyễn Đình Chiểu là biểu tượng của vùng đất ba dãy cù lao. Lịch sử và tâm thức người dân Bến Tre luôn khắc ghi tư tưởng và nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu.
Tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó vươn lên; đoàn kết vượt qua bao gian khổ hy sinh của ông đã truyền cảm hứng cho cuộc Đồng Khởi thần kỳ năm 1960, góp phần hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có những cải thiện tích cực, không ngừng khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Chủ tịch tỉnh Bến Tre - Trần Ngọc Tam phát biểu: “Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Bến Tre nguyện tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức, nhân cách của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, để tinh thần Đồng Khởi chống giặc ngoại xâm được lan tỏa hiệu quả trong phong trào thi đua Đồng Khởi mới trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện tốt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong xây dựng văn hoá, con người Bến Tre; Tạo điều kiện cho văn hóa thấm sâu và trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển Bến Tre phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua thử thách, trắc trở của số phận, trở thành một thầy thuốc có y thuật cao, một thày giáo tâm huyết, một nhà thơ đi đầu trong phong trào chống thực dân có ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực và trên thế giới. Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương về tinh thần học tập suốt đời, ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh nguy nan vẫn là hiện thân của nhân cách sống trong sáng, bình dị, cao đẹp nhưng đầy khí chất của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Nam Bộ nói riêng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, tôn kính hiền nhân luôn là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Chủ tịch nước nhấn mạnh, những năm qua, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều công việc có ý nghĩa sâu sắc nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà Nguyễn Đình Chiểu để lại cho thế hệ hiện tại và mai sau.
Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy sự đổi thay, phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội, nhất là thời gian gần đây Đảng bộ có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhiều công trình, dự án đang được đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, các công trình điện gió…; nhiều phong trào đồng khởi mới về kinh tế đang bừng nở trên quê hương Đồ Chiểu, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước. Theo Chủ tịch nước, kết quả đó là sự minh chứng cho bản lĩnh trí tuệ, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà; mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng xây dựng quê hương Bến Tre, Đồ Chiểu trở thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030. Chủ tịch nước cho biết, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu để tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của cụ đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại nhưng cũng là để tìm ra di sản của cụ, những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: “Tôi xin đề nghị các Bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật của các trước tác của Nguyễn Đình Chiểu, nghiên cứu sâu hơn nữa vai trò thầy giáo và thầy thuốc của Nguyễn Đình Chiểu, tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước. Phát huy giá trị văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong giai đoạn mới, chú trọng ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào nghiên cứu giảng dạy, quảng bá các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu; Nghiên cứu, sáng tác văn nghệ, văn hóa nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu. Thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, trên tinh thần là chúng ta cùng nhau ở đây kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để bày tỏ lòng tự hào tôn vinh và cống hiến to lớn của cụ đối với văn hóa Việt Nam, văn hóa nhân loại nhưng cũng là để tìm trong di sản của cụ những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai”
Chủ tịch nước cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Bến Tre nghiên cứu các quy chế và ban hành giải thưởng “Lục Vân Tiên”, một tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu.
Chủ tịch nước trân trọng ghi nhận và cảm ơn UNESCO đã thông qua Nghị quyết và tổ chức tôn vinh danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Khẳng định, đây là niềm tự hào vinh dự của cả dân tộc Việt Nam. Nhấn mạnh, việc UNESCO tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn của tư tưởng nhân cách Nguyễn Đình Chiểu cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ nhân văn, bác ái của người Việt Nam. Điều này thêm một lần nữa khẳng định những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam văn hóa Việt Nam đang hòa chung dòng chảy văn hóa của nhân loại.
Tại buổi lễ, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đã trao Nghị quyết vinh danh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023.
Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đạo sáng mãi giữa đời” với các nội dung giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; các tiết mục biểu diễn nghệ thuật ca ngợi quê hượng cụ Đồ../.
Theo Việt Cường/VOV1
https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-du-le-ky-niem-200-nam-ngay-sinh-danh-nhan-nguyen-dinh-chieu-post953791.vov